Làm đẹp thu nhỏ 'cô bé' tại nhà, người phụ nữ Hà Nội nhận 'trái đắng'
Mong muốn làm đẹp thu nhỏ 'cô bé' nhưng lại không muốn đến viện, nữ bệnh nhân đã 'mời' một 'bác sĩ' đến nhà làm. Cuộc phẫu thuật kéo dài 2 tiếng thay vì 30 phút như thông thường. Và bi kịch đã xảy ra…
Làm đẹp “thu nhỏ” cô bé tại nhà, người phụ nữ Hà Nội phải đến viện cấp cứu (Ảnh minh hoạ) |
Không quá bất ngờ khi nghe tin BV Xanh Pôn vừa tiến hành cấp cứu cho hai nữ bệnh nhân thực hiện thu nhỏ “cô bé” ở thẩm mỹ “chui”, TS. BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình trường Đại học Y Hà Nội, trưởng đơn vị Tạo hình Thẩm mỹ Công nghệ cao bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Hầu như tuần nào cũng có trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ hỏng đến viện nơi bà công tác để chỉnh sửa.
Đơn cử là trường hợp mới đây do BS Nguyễn Hợp Nhân (Đơn vị Tạo hình Thẩm mỹ công nghệ cao bệnh viện Đại học Y Hà Nội) từng phải cấp cứu cho một trường hợp phẫu thuật cắt thu môi bé tại nhà.
Đây là trường hợp bệnh nhân nhà ở Hà Nội, với mong muốn thu nhỏ “cô bé” nhưng lại ngại ngần không muốn đến viện. Nữ bệnh nhân này liền “mời” một “bác sĩ” đến nhà phẫu thuật.
Theo lời bệnh nhân kể lại, cuộc phẫu thuật kéo dài 2 tiếng thay vì 30 phút như thông thường kết thúc lúc nửa đêm.
Đến gần sáng vết mổ chảy máu không cầm. Quá lo lắng, người phụ nữ này bèn liên lạc với “bác sĩ” đã phẫu thuật cho mình. Ngay lập tức, vị “bác sĩ” kia chuyển trả lại tiền rồi tắt máy. Dù cố gắng liên lạc rất nhiều lần, nữ bệnh nhân chỉ nhận được sự im lặng đến vô cùng. Chẳng còn cách nào khác, người phụ nữ đã phải tự đến viện để cấp cứu.
“Rất may là chúng tôi đã kịp thời cầm máu và xử lý những hậu quả khác cho người bệnh trong đêm. Sau đó, bệnh nhân cũng đã qua giai đoạn nguy hiểm”, TS. BS Phạm Thị Việt Dung nhấn mạnh.
Việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phép như các SPA, tiệm cắt tóc gội đầu, nhà nghỉ, khách sạn hoặc tại nhà của bệnh nhân theo TS. BS Phạm Thị Việt Dung có rất nhiều nguy cơ rình rập với nhiều lý do.
TS. BS Phạm Thị Việt Dung |
Thứ nhất, là điều kiện vô trùng và nguyên tắc vô trùng khi thực hiện phẫu thuật không đảm bảo dẫn đến nhiễm trùng vết mổ, thậm chí nhiễm trùng huyết.
Thứ hai có thể xảy ra tình trạng shock phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê. “Nếu xảy ra ở những cơ sở này thì vô cùng nguy hiểm đến tính mạng do không có phương tiện cấp cứu kịp thời, và người thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở này thường là không phép và phần lớn trong số đó không phải là bác sĩ, không được đào tạo”, TS. BS Phạm Thị Việt Dung bày tỏ.
Nguyên nhân thứ ba mà Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình trường Đại học Y Hà Nội chỉ ra là do người phẫu thuật thường không phải là bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nên phẫu thuật theo kiểu học lỏm, truyền tay và không có kiến thức nền tảng nên rất dễ cắt, làm tàn phá thần kinh, mạch máu và các cấu trúc giải phẫu khác như cơ, sụn… gây ra những biến chứng và di chứng rất khó, nhiều khi không thể khắc phục.
“Nhiều khi xảy ra các tình huống như trường hợp bạn gái đi cắt môi bé ở trên: người cắt không biết làm thế nào để cầm máu khi lỡ cắt phải một mạch máu lớn”, TS. BS Phạm Thị Việt Dung chia sẻ.
Bà cũng cho biết, ngoài những trường hợp đến viện thì trong nửa năm qua vị bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ này cũng nhận được 3 cuộc điện thoại (từ SPA nào đó) xin trợ giúp và hướng dẫn cách giải quyết khi gặp sự cố phẫu thuật thẩm mỹ chảy máu không cầm được.
“Đây là tình trạng đáng báo động và thực sự rất đáng lo ngại. Người phẫu thuật thì vì tiền mà bất chấp nguy hiểm của người khác. Người đi làm đẹp thì quá dễ dãi, sẵn sàng để phẫu thuật ngay ở SPA, quán cắt tóc gội đầu hay khách sạn, nhà nghỉ, thậm chí tại nhà mình…”, TS. BS Phạm Thị Việt Dung lo ngại.
Bởi với những trường hợp chảy máu nhiều nếu không được cầm máu kịp thời thì theo TS. BS Việt Dung “ bệnh nhân có thể chết vì mất máu”.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm về thẩm mỹ, TS. BS Phạm Thị Việt Dung cho rằng, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại các bệnh viện có chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình hoặc các phòng khám phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
“Các bạn lưu ý Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép bao giờ cũng phải niêm yết biển phòng khám, niêm yết tên bác sĩ phụ trách và số giấy phép hành nghề.
Trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ luôn có thể xảy ra những rủi ro nhưng bác sĩ càng được đào tạo bài bản và làm đúng quy trình, quy định thì rủi ro sẽ ít hơn và hạn chế được những biến chứng nặng không khắc phục được hay những nguy hiểm đến tính mạng”, TS. BS Phạm Thị Việt Dung nhấn mạnh.
N. Huyền