Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng UAV để chỉ huy dòng người di dân "an toàn" vào Hy Lạp
Theo báo cáo của hãng thông tấn Spunik Nga ngày 16/3, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 để giám sát lực lượng phòng thủ của Hy Lạp ở khu vực biên giới nước này. Mục đích trong hành động này không phải là nhằm tấn công lực lượng này mà là để hỗ trợ những người di dân Syria có thể tránh được sự kiểm soát của lực lượng chức năng Hy Lạp và tràn vào những khu vực ít bị kiểm soát.
UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: jxcn.cn. |
Các nguồn tin cho biết, hơn 20.000 người tị nạn Syria đã đổ về khu vực biên giới với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiều biện pháp để “chỉ đạo” 200.000 người tị nạn này thành công vượt biên. Hành động lần này của Thổ Nhĩ Kỳ mang mật danh là “hành động 1453”. Mật danh này xuất phát từ sự kiện năm 1453 Đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) chiếm Constantinople và từ đó trở thành thủ đô của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự giúp đỡ của UAV, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp nhiều con đường “an toàn” cho người tị nạn thành công vào Hy Lạp.
Đặc biệt, sau khi cảnh sát Hy Lạp phát hiện số lượng lớn người di dân Syria vượt biên vào đất nước mình đã tiến hành ngăn chặn và xảy ra nhiều cuộc đụng độ. Để “giải cứu” cho người tị nạn Syria, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng hơi cay để ngăn chặn cảnh sát Hy Lạp.
Người di dân đụng độ với cảnh sát Hy Lạp ở khu vực biên giới. Nguồn: jxcn.cn. |
Hiện, Síp, Áo, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã gửi lực lượng đặc biệt đến hỗ trợ Hy Lạp, Liên minh châu Âu cũng đã phân bổ hàng trăm triệu euro cho Hy Lạp để nâng cấp trang thiết bị bảo vệ tại khu vực biên giới. Đối với các nước châu Âu, Hy Lạp là cửa ngõ vào châu Âu, nếu Hy Lạp để người tị nạn tràn vào đất nước của mình, thì sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi hàng triệu người tị nạn tràn vào châu Âu.
Liên quan đến vấn đề này, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang “nóng” lên từng ngày, Thủ tướng Hy Lạp cho biết, do Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ mang tính hệ thống đối với người di dân để những người này tràn vào Hy Lạp theo đường thủy và đường bộ, nên các thỏa thuận về người di dân đã ký trước đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu sẽ hết hiệu lực.
Những tỉnh giáp biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ đang phải "gánh" một lượng lớn người tị nạn Syria. Nguồn: jxcn.cn. |
Trước đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Hy Lạp Michael-Christos Diamessis để yêu cầu nước này chấm dứt các vụ xâm phạm lãnh hải của Thổ, cảnh báo các đơn vị quân sự trên bộ của Athens dừng hành động khiêu khích và thả những nhà báo đưa tin về tình hình người tị nạn ở các đảo Lesbos và Rhodes. Về phía Hy Lạp, Bộ Ngoại giao của Athens đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Burak Ozugergin về vụ một tàu tuần tra Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc cố tình đâm vào tàu tuần duyên Hy Lạp.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú chân của 4 triệu người tị nạn, trong đó có khoảng 3,6 triệu người đến từ Syria. Hồi năm 2015, khoảng 1 triệu người nhập cư đã đến châu Âu, chủ yếu vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp trong khi một lượng nhỏ đi từ Libya đến Italia. Theo thỏa thuận năm 2016, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và ngăn chặn dòng người di cư vào Lục địa già để đổi lấy 6 tỷ euro (tương đương 6,74 tỉ USD) tiền hỗ trợ từ phía EU.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã không nhận được toàn bộ số tiền này, đồng thời hàng loạt cam kết khác như các quy định thương mại và thị thực không được thực thi đầy đủ. Chính quyền của Tổng thống R.Erdogan cũng cáo buộc các quỹ mà EU hứa hẹn sẽ giúp nước này đối phó với 3,6 triệu người tị nạn Syria vẫn chưa được giải ngân đúng hẹn. Do đó, Ankara thông báo mở cửa biên giới và cho phép người di cư đến Lục địa già như một cách để gây áp lực với chính phủ các nước EU trong vấn đề Syria.