Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dừng kích hoạt tên lửa "khủng" S-400 Nga, lý do là gì?
Trong vài tháng gần đây, giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho kích hoạt các hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga và thời gian chính xác đưa vào hoạt động là cuối tháng Tư.
Nga vận chuyển linh kiện của hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8/2019. (Ảnh: Reuters) |
Hoạt động chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được Nga tiến hành từ tháng 7/2019 và hoàn thành vào mùa thu cùng năm. Hiện hệ thống phòng không S-400 và các thiết bị đi kèm đã được lắp đặt tại một căn cứ quân sự nằm gần thủ đô Ankara.
Theo Hurriyet Daily News, một số nguồn tin cho hay các chuyên gia Nga đã hoàn thành chương trình đào tạo sử dụng S-400 cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, những bài thử nghiệm đầu tiên liên quan tới hoạt động của S-400 cũng đã được tiến hành.
Vốn là đồng minh trong khối NATO, song quan hệ Mỹ - Thổ vẫn đang rơi vào căng thẳng xuất phát từ thương vụ mua bán S-400 giữa Ankara và Moscow. Mỹ khẳng định S-400 không tương thích với hoạt động của các hệ thống phòng thủ mà các nước thành viên NATO đang sử dụng. Ngoài ra, Mỹ cũng đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này do Ankara nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400.
Trước đây, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng nhiều lần bàn thảo về hoạt động mua bán tổ hợp phòng không Patriot, nhưng do bất đồng quan điểm mà hai bên không thể thực hiện thương vụ này. Đây cũng chính là lý do khiến Ankara chuyển sang mua S-400 của Moscow.
Đáng nói, sau khi cuộc chiến ở tỉnh Idlib thuộc phía tây bắc Syria trở nên căng thẳng từ đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ triển khai các hệ thống Patriot tới khu vực sát biên giới với Syria. Nhưng Mỹ nói Thổ Nhĩ Kỳ không thể sở hữu cả S-400 và Patriot.
Dù quan hệ vẫn căng thẳng, Mỹ đã đưa ra đề nghị cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tên lửa Patriot để ngăn quân đội Syria, lực lượng được Nga hậu thuẫn, giành thêm ưu thế ở tỉnh Idlib.
Giới chuyên gia nhận định, căng thẳng ở Idlib đang giúp Mỹ - Thổ hàn gắn quan hệ và Ankara còn kêu gọi NATO hỗ trợ bảo vệ không phận quốc gia trước mối lo về các cuộc tấn công tiềm tàng từ lực lượng tên lửa Syria. Song cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể về việc sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào trong chiến dịch tấn công ở Idlib mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai từ tháng Hai.
Bởi dù hai tháng đã trôi qua, chưa có bất cứ lời cam kết hỗ trợ chắc chắn nào được phía Mỹ và NATO đưa ra với chính quyền Ankara. Và lý do chính là việc Mỹ và NATO không thể chấp nhận việc một hệ thống phòng không S-400 của Nga được triển khai ngay trên lãnh thổ quốc gia thành viên NATO.
Nhận định trên càng được củng cố trong cuộc họp trực tuyến của các bộ trưởng NATO hồi tuần trước. Theo đó, đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison nhấn mạnh, các quốc gia đồng minh đang thảo luận về gói hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Ankara cần từ bỏ hệ thống vũ khí của Nga trước.
“Chúng tôi hy vọng có thể cùng nhau thảo luận về gói hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga bởi hành động này sẽ ngăn cản một số nỗ lực trong việc giúp Ankara chiến đấu ở Syria”, bà Hutchison phát biểu tại Brussels hôm 1/4.
Trong khi đó, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là không thay đổi. Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn hôm 10/3, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu một lần nữa phản đối quan điểm của Mỹ và khẳng định S-400 không gây ra bất cứ rắc rối an ninh hay kỹ thuật cho những thiết bị quân sự Mỹ vốn có mặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng theo ông Çavuşoğlu, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ cho triển khai và kích hoạt tên lửa S-400.
Sau đó, hôm 16/3, kênh truyền hình Rossiya-24 dẫn lời ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga cho biết, Nga – Thổ đang tiến hành thảo luận về gần giải quyết toàn bộ những vướng mắc liên quan tới hoạt động chuyển giao thêm các hệ thống phòng không S-400.
“Chúng tôi đang thảo luận về chương trình chuyển giao thêm vũ khí. Chúng tôi đang tăng cường đối thoại và giải quyết được gần hết các vấn đề liên quan”, ông Shugaev nói.
Một số chuyên gia ở Ankara lại cho rằng, thời gian kích hoạt S-400 sẽ bị lùi lại do Thổ Nhĩ Kỳmuốn đánh giá thêm về diễn biến tình hình ở tỉnh Idlib của Syria trong thời gian tới.
Theo thiết kế, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga có thể tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 30 km.