Thịt lợn phải giảm giá, lợn sống Thái Lan đã nhập về Đồng Nai tối qua
Tối 12/6, lô lợn sống được nhập từ Thái Lan đã về đến trang trại lợn thuộc hệ thống của Công ty Thùy Dương Phát ở Đồng Nai.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp có mặt tại trang trại để kiểm tra quy trình thực hiện kiểm dịch động vật trước khi chuyển vào khu chăn nuôi.
Theo đó, lô lợn sống đầu tiên này có 317/80.000 con (lợn giống) được cho phép nhập khẩu nhằm phục vụ công tác tái đàn cho các trang trại của doanh nghiệp.
Sau khi được nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty Thùy Dương Phát đã đưa số lợn trên đến trang trại Đồng Hiệp (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) để thực hiện cách ly. Cục Thú y đã tổ chức kiểm tra hồ sơ khai báo và tình trạng sức khỏe thực tế của từng con lợn. Bước đầu không phát hiện triệu chứng lâm sàng của các dịch bệnh truyền nhiễm trên lợn.
Ngay sau đó, đàn lợn được vận chuyển vào khu nuôi cách ly để theo dõi, đối với đàn lợn giống thời gian cách ly tối đa 45 ngày. Trong thời gian nuôi cách ly, đàn lợn tiếp tục được lấy mẫu giám sát về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Sau thời gian này, lợn giống khoẻ mạnh, không có dịch bệnh sẽ được cấp chứng nhận cho doanh nghiệp chăn nuôi nhân giống phục vụ tăng đàn, tái đàn.
Bà Phạm Thị Thùy Dương, Giám Đốc Công ty Thùy Dương Phát cho biết, ngoài số lợn giống, trong tháng 6,7,8 Công ty xin nhập 120.000 con lợn thịt, mỗi con lợn có trọng lượng từ 80 – 100 kg phục vụ công tác giết mổ, cung cấp thịt lợn cho thị trường. Toàn bộ số lợn trên đều được nhập từ Công ty Rukshinedan Limited Partership Thái Lan. Dự kiến vào 19h tối mai, 500/120.000 con lợn thịt đầu tiên sẽ về đến cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), ngày 14/6, lợn trên sẽ về đến trang trại của doanh nghiệp.
Thực hiện các thủ tục trước khi đưa lợn vào chuồng. Ảnh: Trần Trung.
Theo Bà Dương, đối với lợn giống ước tính sau 5 tháng đưa vào chăn nuôi, cuối năm doanh nghiệp này sẽ đủ con giống để tăng đàn, tái đàn cho các trang trại vệ tinh, đồng thời cung cấp giống ra thị trường phục vụ nhu cầu tái đàn cho các trang trại tại địa phương. Đối với lợn thịt, sau khi tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước, doanh nghiệp sẽ đưa vào giết mổ cung ứng ra thị trường nhằm góp phần bình ổn giá lợn.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện có 8 doanh nghiệp Thái Lan có các trang trại đủ điều kiện để xuất lợn sống sang Việt Nam. Theo đó, số lượng lợn xuất sang Việt Nam có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của các doanh nghiệp, qua đó đã có rất nhiều doanh nghiệp đang đăng kí để nhập khẩu. Số lượng đăng kí nhập khẩu tính đến ngày 12/6 đã lên gần 1 triệu con.
Lợn được đưa xuống xe để vào chuồng cách ly. Ảnh: Trần Trung.
Ông Bạch Đức Lữu - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan đều được quản lý theo tiêu chuẩn TSA 6403-2009 về Thực hành Nông nghiệp tốt bao gồm quản lý chung về vệ sinh trang trại, vệ sinh môi trường, phòng chống và giám sát dịch bệnh, từ quản lý thức ăn, nước uống dùng cho lợn… được Cơ quan Thú y có thẩm quyền Thái Lan giám sát chặt chẽ và đăng ký với Cục Thú y Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện của Việt Nam có thể thực hiện nhập khẩu lợn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu lợn phải được thực hiện nghiêm kiểm dịch theo đúng quy định hiện hành.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trực tiếp cùng đoàn công tác kiểm tra lô lợn sống nhập khẩu vào phía Nam. Ảnh: Trần Trung.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung lợn giống và lợn thịt trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ muốn tăng cường nhập khẩu lợn từ các nước để phục vụ công tác tăng đàn, tái đàn và giết mổ. Việc nhập khẩu số lượng lợn là không có hạn ngạch nhưng phải đảm bảo an toàn cho đàn lợn trong nước và không ảnh hưởng đến người chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu heo sống vào Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ chỉ đạo Cục Thú y tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu heo sống vào Việt Nam; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu heo sống vào Việt Nam.
Cán bộ Cục Thú y kiểm tra lợn lần cuối trước khi đưa lợn vào chuồng. Ảnh: Trần Trung.
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 70.000 tấn thịt lợn, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2020. Việc chính thức cho nhập khẩu lợn sống về giết mổ thương phẩm lần này của Bộ NN&PTNT là một trong những biện pháp nhằm tăng nguồn cung, đồng thời giúp mặt hàng thịt lợn trong nước hạ nhiệt.
Được biết, ngay sau khi thông tin Bộ NN&PTNT chính thức cho nhập khẩu lợn sống Thái Lan về Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm, trong những ngày qua giá lợn hơi cả nước đã giảm. Theo đó, giá heo hơi 12/6 tại miền Bắc ghi nhận giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg nằm trong khoảng 88.000 - 97.000 đồng/kg. Tại thị trường miền Trung, Tây Nguyên giá heo hơi chững lại khoảng từ 85.000 - 94.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Nam hôm nay tiếp tục giảm sâu từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, hiện đang được giao dịch trong khoảng từ 86.000 - 94.000 đồng/kg…
Theo nongnghiep.vn