Thịt lợn đắt, dân ăn dè, hơn 1 tháng nữa mới nhập được lợn sống
Theo Cục Thú y cho biết, trước khi nhập khẩu lợn sống phải tổ chức cách ly đàn, lấy mẫu xét nghiệm. Dự kiến trong tuần này, khi các thủ tục hoàn tất sẽ mở cửa thị trường nhập khẩu lợn sống.
Khi nào lô lợn sống của Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam? |
Lợn Thái Lan chuẩn bị vào Việt Nam
Trả lời câu hỏi của PV, khi nào có lô nhập khẩu đầu tiên và số lượng bao nhiêu? Cục Thú y cho biết, sau khi Cục Thú y hoàn tất việc mở cửa thị trường nhập khẩu lợn sống, thì việc khi nào nhập và nhập bao nhiêu là do kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Cục Thú y sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu một cách thuận lợi nhất.
Cục Thú y sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước như tổ chức cách ly đàn lợn, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định hiện hành.
Việc nhập khẩu lợn sống vẫn phải bảo đảm các điều kiện về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y theo đúng quy định.
Quy trình nhập khẩu lợn sống từ các nước Việt Nam bao gồm: Nước có đề nghị xuất khẩu cần cung cấp cho Cục Thú y các hồ sơ, tài liệu về tình hình dịch bệnh, các chương trình và kết quả giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, năng lực chẩn đoán, xét nghiệm… để phục vụ việc phân tích rủi ro nhập khẩu.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại nước xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bộ NN&PTNT cho phép Cục Thú y sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ do nước xuất khẩu cung cấp sẽ tổ chức họp trực tuyến với Cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu để trao đổi về những vướng mắc, thu thập thêm thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn sống.
Dự kiến trong tuần này, khi Thái Lan cung cấp đủ tài liệu thì hai bên sẽ tổ chức họp trực tuyến để trao đổi về những vướng mắc, thu thập thêm thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu lợn sống.
Giá thịt lợn trong nước vẫn cao chót vót
Ngay khi có thông tin Bộ NN&PTNT đồng ý nhập khẩu lợn sống, giá lợn hơi trong nước ngày 2/6 đã bắt đầu chững lại, có nơi giảm 2.000 đồng/kg sau khi lập đỉnh ở mức hơn 100.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi hiện dao động từ 98.0000-100.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, giá lợn hơi ở mức 98.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình 99.000-100.000 đồng/kg. Tại miền Nam giá lợn hơi ở mức 95.000-97.000 đồng/kg. Còn ở miền Trung, giá lợn hơi phổ biến từ 94.000-96.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, giá lợn hơi có nơi vẫn ở mức 100.000 đồng/kg.
Chị Nga (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết, giá lợn hơi một tuần nay ở mức 100.000 đồng/kg nhưng không có để mua. Tại nhiều nơi bà con bỏ chuồng đến nay không dám tái đàn lại vì giá lợn giống quá cao.
“Nhiều gia đình nuôi nhỏ lẻ thì không bán cho thương lái mà tự giết mổ rồi bán cho người địa phương luôn. Giá lợn hơi đắt như thế nhưng cũng không dễ để mua. Còn giá thịt lợn ngon ở chợ thì lên mức 180.000-190.000 đồng/kg, cao chưa từng thấy”, chị Nga nói.
Tại Hà Nội, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh hiện cũng ở mức 170.000 đến hơn 200.000 đồng/kg. Chẳng hạn thịt nạc vai, ba chỉ 180.000 đồng/kg, sườn non 220.000, sườn thăn 190.000-200.000 đồng/kg…
Các tiểu thương cho biết lợn móc hàm hiện đang ở mức 135.000-140.000 đồng/kg nên mang tiếng bán đắt nhưng thực tế người bán cũng chẳng có lãi. “Thịt lợn đắt, mọi người chỉ dám ăn dè, mua 3-4 lạng nên bán chậm lắm”, chị Ngọc- một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho hay.
Nguồn cung trong nước thiếu, việc nhập khẩu lợn sống dự báo sẽ giúp giá lợn trong nước hạ nhiệt. Tuy nhiên, nhanh nhất thì hơn một tháng nữa lợn sống mới có thể về đến Việt Nam.
Diệu Thùy
Bình ổn giá thịt lợn: cần rút ngắn khâu trung gian trong khâu cung ứng
Để bình ổn giá thịt lợn, cần tập trung các giải pháp tăng đàn, tái đàn lợn hướng tới cân đối cung cầu mặt hàng này trên thị trường.