Thiếu máu, 8 ngày liền bệnh nhân không được truyền "nhựa sống"
Bà Trang và cháu Ng. đang mong mỏi từng đơn vị máu. |
Bệnh nhân như cây khô chờ nước
Tại khoa Thalassemia - tan máu bẩm sinh của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hàng chục bệnh nhân đang chờ từng đơn vị máu để có thể trở về nhà. Theo lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tình trạng thiếu máu xảy ra vào các dịp hè và cuối năm như một chu kỳ nhưng năm nay tình trạng thiếu máu, đặc biệt là nhóm máu A và nhóm máu O khiến công tác điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị L. trú tại Thạch Thất, Hà Nội buồn rầu cho biết chị bị tan máu bẩm sinh – một căn bệnh sống nhờ vào việc truyền máu. Tuy nhiên, xuống viện đã 8 ngày đến nay chị L. vẫn chưa được truyền máu vì tình trạng thiếu máu. Đặc biệt, chị L. có nhóm máu A đang khan hiếm nghiêm trọng nên việc chờ máu càng lâu hơn.
Phát hiện mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh, 3 năm nay là quãng thời gian chị L. coi bệnh viện như nhà của mình. Mỗi tháng chị phải lên viện đều đặn hai tuần rồi lại về nhà.
Mọi lần, chị được bác sĩ truyền máu luôn nên người đỡ mệt mỏi, không bị sốt. Nhưng gần đây do thiếu máu, chị chỉ được truyền đường để kéo dài thời gian chờ có người hiến máu. Chia sẻ với chúng tôi, giọng chị L. mệt mỏi, với người bệnh như chị, việc chờ máu từng ngày như để cuộc sống của chị kéo dài hơn. Đang vào dịp hiếm máu, chị L. còn phải chờ có người hiến máu mới được tiếp thêm nhựa sống.
Trường hợp của cháu Hoàng Minh Ng. 4 tuổi trú tại Yên Thế, Bắc Giang cũng tương tự. Cháu Ng. bị chứng tan máu bẩm sinh từ lúc 5 tháng tuổi. Từ đó đến nay, bệnh viện trở thành mái nhà thứ hai của bé Ng.
Bà Hoàng Thị Trang, bà nội của bé Ng. cho biết, cháu lên viện được 1 tuần nay nhưng vẫn chưa có máu để truyền. Bé Ng. cũng có nhóm máu A nên việc thiếu máu khiến bé khắc khoải từng ngày mong được truyền máu.
Nhìn cháu bé 4 tuổi ánh mắt trong veo, đáng yêu không ai cầm được nước mắt. Hình như bé Ng. cũng hiểu đang trong giai đoạn thiếu máu nên cháu chưa được truyền máu. Bé Ng. thì thầm với bà hỏi về việc bao giờ bé có thể tiếp thêm nhựa sống. Khi mệt bé Ng. gối lên tay lên đùi bà ngủ. Khi đỡ mệt, bé chỉ hỏi bà khi nào được về nhà.
Bà Trang kể, bình thường khoảng 2 tuần là cháu được về nhà. Mười ngày đầu từ viện về cháu chơi và đi học. Nhưng từ ngày thứ 11 trở đi, do thiếu máu bé mệt mỏi và quấy khóc. Vì thế, lịch đều như vắt chanh cứ 2 tuần bé lên viện một lần và ở đó điều trị 2 tuần rồi về. Nửa thời gian bé dành cho cuộc sống ở viện.
Hàng chục bệnh nhân khác ở bệnh viện cũng đang trong tình trạng khắc khoải chờ có người hiến máu như cây khô chờ nước tưới.
Huy động hiến máu từ người thân
Mấy ngày nay, mỗi ngày viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tiếp nhận từ 20 đến 30 người đến hiến máu tình nguyện. Con số này khá khiếm tốn so với lượng máu đang thiếu. Tuy nhiên, Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương – Phó viện trưởng cho biết tình trạng khan hiếm máu vẫn xảy ra cục bộ ở các bệnh viện miền bắc.
Hiện nay, các bệnh viện phải vận động người thân đến hiến máu. Sau khi được vận động người thân sẽ tìm đến viện Huyết học và Truyền máu Trung ương làm thủ tục hiến máu. Ngoài ra, có một số bạn sinh viên biết tình trạng máu đang khan hiếm cũng tự nguyện đến hiến máu.
Ông Hà Công Dậu trú tại Thanh Xuân, Hà Nội đến viện xin hiến máu cho người thân đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y. Ông Dậu cho biết người nhà của ông bị xuất huyết dạ dày cần truyền máu gấp nhưng hiện tại bệnh viện đang khan hiếm máu nên bác sĩ vận động gia đình đến cho máu. Dù gần 60 tuổi nhưng ông không ngần ngại đến viện hiến máu.
Ông Dậu và 4 người trong gia đình cùng đến cho máu người thân. Khi biết máu của mình được lấy sẽ đưa vào xét nghiệm và chờ thời gian của sổ, viện sẽ “đổi” một đơn vị máu cho người nhà, giọng ông Dậu đầy xúc động “tôi nghe trên ti vi về tình trạng khan hiếm máu, lúc bác sĩ cho biết không có máu dự trữ để cho cháu tôi. Dù lớn tuổi tôi đã xung phong hiến máu. May mà tôi đạt tiêu chuẩn cho máu. Tôi chỉ sợ không đạt chuẩn vì mỡ máu hay huyết áp cao”.
Còn em Vũ Quỳnh Mai sinh viên năm thứ 3 Đại học Luật Hà Nội vừa kết thúc kỳ ti học kỳ một. Em nghe nói về tình trạng khan hiếm nhóm máu A và O tại viện nên Mai vội vàng qua viện hiến máu tình nguyện. Mai rất vui khi biết mình có nhóm máu A. Dù chỉ nặng 45 kg nhưng em Mai vẫn xung phong hiến 350 ml. Nhưng khi nghe bác sĩ giải thích, Mai đã chọn hiến 250 ml.