Thi vào lớp 10 sớm hơn năm ngoái: Phụ huynh sốt ruột muốn con trở lại trường
Bộ GD&ĐT cho biết, vì học sinh cả nước nghỉ học kéo dài nên đã quyết định lùi thời gian năm học sau ngày 31/5. Thế nhưng, theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 được UBND Hà Nội phê duyệt ngày 18/2, dự kiến sáng 1/6 thí sinh sẽ bắt đầu thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn.
So với năm ngoái (thi ngày 2-3/6) thì năm nay học sinh thi vào lớp 10 sẽ sớm hơn 1 ngày so với năm ngoái.
Lịch thi vào lớp 10 dự kiến của Hà Nội |
Ngay sau khi quyết định trên của UBND TP. Hà Nội được công bố, nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản đối rất gay gắt.
Chị Huỳnh Phương Mai (phụ huynh học sinh trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho hay: “Theo tôi làm như vậy không hợp lý tí nào. Cho học sinh nghỉ để tránh dịch bệnh nhằm mục đích an toàn cho sức khỏe, trong thời gian này 10 cháu thì chỉ được 1-3 cháu tự giác học vì bố mẹ đi làm nên hầu như ở nhà chơi hoặc nếu có học thì rất lơ là...
Một thực tế là rất ít cháu nghĩ được rằng tận dụng thời gian nghỉ mà học để thi lắm. Bản thân tôi mong một quyết định hợp lý hơn vì làm thế này là tạo áp lực lên cả thầy cô, cha mẹ và các cháu. Ít nhất cũng dời lại hai tuần so với kỳ thi năm trước. Học để trẻ có kiến thức, tốt cho các cháu sau này. Hãy giúp con trẻ bớt áp lực và học trở thành niềm vui chứ không phải học là cực hình.
Nếu không ngay từ bây giờ hãy cho học sinh trở lại trường để gấp rút ôn tập. Bởi lẽ, theo thông tin từ báo đài, hiện nay số bệnh nhân mắc Covid – 19 đã dần bình phục hoàn toàn và xuất viện. Tại sao Hà Nội vẫn chần chừ chưa cho học sinh đến trường trong khi lại bắt con em chúng tôi thi vào lớp 10 sớm hơn năm ngoái? Vậy thời gian đâu cho các con ôn tập?”.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Hoàng Anh (phụ huynh học sinh trường THCS Khương Thượng) cho hay: “Việc cho học sinh nghỉ dài như thời gian vừa qua là bất hợp lý. Các nước có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, Singapore học sinh vẫn đến trường giữa mùa dịch Covid -19.
Theo tôi được biết, Nhật Bản là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ngoài Trung Quốc trong đợt dịch virus corona với 161 ca nhiễm, con số này gấp 10 lần số ca nhiễm virus của Việt Nam.
Ở tỉnh Osaka - nơi có trường hợp nhiễm nCoV, mọi người vẫn làm việc bình thường. Việc đóng cửa trường chỉ xảy ra tại thành phố có dịch như Nara thay vì toàn tỉnh.
Thái Lan, với 32 ca nhiễm virus corona, cũng không đóng cửa hàng loạt trường dù trước đó, nước này từng nhiều lần tạm dừng hoạt động đối với trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh khi không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Singapore có 45 trường hợp nhiễm nCoV và ghi nhận trường hợp lây từ người sang người. Tuy nhiên, nước này cũng không đóng cửa hàng loạt các trường”.
Anh Hoàng Anh chia sẻ thêm, việc đóng cửa các trường đa số các phụ huynh ở thành phố lớn đều gặp khó khăn nhất là trong việc trông con vì vẫn phải đi làm. Việc học online thực tế hiệu quả không nổi 1/3 nhất là với học sinh tiểu học.
Trong khi đó UBND TP.Hà Nội là dự kiến cho học sinh thi vào lớp 10 ngày 1/6 (sớm hơn năm ngoái 1 ngày). Điều này càng bất hợp lý. Nếu thế, hãy cho con em chúng tôi được đến trường để thực hiện ngay việc hoàn thành chương trình và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới.
“Hà Nội chưa ghi nhận ca nào nhiễm corona, tôi nghĩ rằng thay vì cho học sinh nghỉ dài rồi lại áp lịch thi sớm hơn cả năm ngoái thì các cơ quan chức năng hãy nghĩ đến việc làm sao kiểm soát tốt corona và cho học sinh trở lại trường”, phụ huynh Hoàng Anh cho hay.
Được biết, để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn về sức khỏe, tinh thần cho giáo viên, học sinh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học tại đơn vị.
Để đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh, hiện nay, các cơ sở giáo dục tại Hà Nội đang tích cực triển khai vệ sinh, tẩy trùng trường lớp, thiết bị dạy học; chuẩn bị xà chuẩn bị tốt nhất các điều kiện an toàn, tạo tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi cho con em trở lại đi học.