Trót yêu loại hoa lạ, cô gái 8x bỏ việc văn phòng rẽ ngang làm nông nghiệp
Bởi trót yêu loài hoa mang tên Đa Lộc, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1987), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hoa Đa Lộc, TX.Bến Cát đã quyết định bỏ việc văn phòng rẽ ngang làm nông nghiệp
Bởi trót yêu loài hoa mang tên Đa Lộc, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1987), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hoa Đa Lộc, TX.Bến Cát đã quyết định bỏ việc văn phòng rẽ ngang làm nông nghiệp.
Mặc dù những bước đi ban đầu gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng với những “quả ngọt” chị đạt được sau thời gian khởi nghiệp đã minh chứng cho tinh thần “dám nghĩ dám làm” của một người trẻ như chị Tâm.
Chị Tâm bên giỏ hoa Đa Lộc, một loài hoa giúp chị khởi nghiệp thành công
Khởi nghiệp từ loài hoa lạ
Được Hội LHPN tỉnh giới thiệu về tấm gương phụ nữ khởi nghiệp, chúng tôi có dịp gặp gỡ chị Nguyễn Thị Minh Tâm để tìm hiểu về giống hoa Đa Lộc và con đường khởi nghiệp từ loài hoa này của chị Tâm.
Giới thiệu về hoa Đa Lộc, chị Tâm cho tôi xem giỏ hoa được cắm tỉ mỉ, đẹp mắt, trong đó hoa Đa Lộc là điểm nhấn với sắc đỏ rực rỡ như ngọn đuốc, thân cây rắn chắc, thẳng tắp thể hiện cho sự mạnh mẽ, vươn lên của loài hoa này.
Chị Tâm nói: “Hoa Đa Lộc còn có một số tên gọi khác là Sen Đất, Gừng Tàu, Vạn Phúc. Đây là giống hoa mới, có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia. Hoa Đa Lộc thuộc họ gừng, thân cây giống cây gừng, cây riềng nhưng cao hơn, trung bình cây hoa Đa Lộc cao từ 3 - 5m.
Hoa có hình dáng tương tự hoa sen nhưng cánh hoa nhỏ và nhiều hơn hoa sen; có màu hồng, đỏ và trắng. Đa Lộc trồng khoảng 7 - 8 tháng là sẽ ra hoa, mầm hoa từ đất trồi lên, vươn cao.
Dù không có mùi thơm nhưng hoa lại rất lâu tàn, sau khi thu hoạch có thể giữ được từ 5 - 7 ngày, đặc biệt thân hoa không làm nước trong bình bị hôi như các loài hoa khác”.
Chưa bàn đến vẻ đẹp của hoa, chỉ nhắc đến cái tên Đa Lộc, Vạn Phúc…, người ta nghĩ ngay đến những điều may mắn, tài lộc. Chính vì thế, hiện nay loại hoa này được rất nhiều người ưa chuộng dùng để chưng trong nhà, trồng trong sân, đặc biệt làm quà tặng cho những dịp lễ, tết, khai trương, sinh nhật… với ý nghĩa mang đến nhiều điều may mắn, tốt đẹp cho gia chủ và người được tặng hoa.
Chị Tâm kể về cái duyên khiến chị quyết định bỏ làm nhân viên văn phòng mà gắn bó với nông nghiệp: “Cách đây khoảng 6 năm, trong một lần vô tình thấy loài hoa này, tôi bị thu hút ngay bởi vẻ đẹp rực rỡ của nó và quyết định trồng thử tại nhà.
Ban đầu, tôi chỉ trồng vì quá yêu thích thôi chứ chưa nghĩ đến chuyện kinh doanh, khởi nghiệp gì với nó cả. Thế nhưng, sau thời gian càng tìm hiểu, chăm sóc tôi càng yêu loài hoa này, mặt khác được biết loài hoa này mang lại tiềm năng kinh tế cao nên tôi quyết tâm khởi nghiệp với hoa Đa Lộc.
Những ngày đầu đối với tôi mà nói có vô vàn khó khăn, bởi kinh nghiệm trồng hoa này là con số 0 nhưng tôi tự nhủ thôi kệ, trong quá trình làm thử nghiệm rồi đúc kết ra kinh nghiệm. Quả thật, tôi nhận thấy rằng loài hoa này khá dễ sống, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, lại phù hợp với khí hậu nóng ẩm của nước ta”.
Ngày đầu khởi nghiệp, chị Tâm tận dụng 1.500m2 đất của gia đình tại xã An Điền, TX.Bến Cát để trồng 500 gốc hoa. Sau thời gian 7 - 8 tháng bỏ công trồng, chăm sóc, những bông hoa đầu tiên của chị đã thu hoạch….
Trót yêu hoa Đa Lộc, chị Tâm quyết định nghỉ việc văn phòng để thắp lên ngọn lửa đam mê với loài hoa này
Quyết không bỏ cuộc
Cầm những bông hoa đầu tiên mình trồng trên tay, chị Tâm vui sướng biết bao và kỳ vọng vào sự thành công của loài hoa này. Thế nhưng, cuộc đời không như là mơ khi việc trồng hoa thành công là một chuyện, nhưng tìm đầu ra cho hoa là một chuyện khác.
Sau khi thu hoạch hoa, với niềm vui hân hoan cùng sự kỳ vọng về sự thành công của loại hoa mình yêu thích bỗng chốc thu bé lại bằng những lời từ chối của các shop hoa.
Đi khắp các shop hoa, chị Tâm chỉ nhận được những cái lắc đầu bởi loài hoa này quá mới, họ sợ sẽ không bán được ra thị trường.
Sau nhiều lần bị từ chối, chị Tâm vẫn quyết không bỏ cuộc. Cuối cùng chị đã tìm cách thỏa hiệp với các shop hoa rằng, chị sẽ gửi hoa ở shop, nếu có người mua thì shop sẽ có lợi nhuận, còn nếu không bán được thì chị sẽ mang hoa về, như vậy cửa hàng sẽ không sợ bị lỗ vốn. Sau khi thuyết phục như thế, các cửa hàng mới đồng ý bán hoa Đa Lộc của chị Tâm.
Với lòng kiên trì bền bỉ rồi cũng đã đến ngày hái trái ngọt, sau thời gian vất vả gõ cửa từng shop hoa để giới thiệu sản phẩm, cuối cùng công sức của chị cũng được đền đáp xứng đáng khi ngày càng có nhiều người ưa chuộng loài hoa này, dần dần hoa của chị đã có mặt ở các shop hoa, các chợ đầu mối lớn hay ở các chùa trên địa bàn tỉnh.
May mắn lại tiếp tục mỉm cười với chị Tâm, năm 2019 chị nhận được sự giúp đỡ của Hội LHPN các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Đề án Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939), chị được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp để có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp; đồng thời được giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội TX.Bến Cát, chị được vay vốn 70 triệu đồng, đầu tư trồng thêm 1.000 gốc hoa ở Bình Phước, với diện tích 3.000m2.
Để chia sẻ với nhiều chị em khác có chung chí hướng khởi nghiệp với hoa Đa Lộc, chị đã chủ động cùng với 9 thành viên khác là hội viên, phụ nữ trên địa bàn thành lập HTX Nông nghiệp hoa Đa Lộc với cây trồng chủ lực là loài hoa này.
Hiện nay, nhành hoa Đa Lộc được bán với giá sỉ 10.000 đồng nhưng có thể dao động tăng giá tùy thời điểm. Khi hoa ra thị trường có giá từ 12.000 - 25.000 đồng/nhành hoa, đặc biệt những dịp lễ, tết cao điểm có thể lên đến 50.000 đồng nhưng hoa vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Đến nay, vườn hoa Đa Lộc đã mang về lợi nhuận cho gia đình chị khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, việc trồng hoa còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, phát triển kinh tế, giúp phụ nữ vươn lên làm giàu.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2020 chị thành lập Công ty TNHH MTV Tâm Hoàng Lộc chuyên kinh doanh hoa Đa Lộc và nông, lâm sản nguyên liệu… Đặc biệt, sắp tới đây chị Tâm dự định cho ra mắt sản phẩm trà Đa Lộc.
Được biết, ngoài công dụng trang trí, hoa Đa Lộc còn được sử dụng làm thực phẩm với những món ăn độc đáo. Đặc biệt, trong y học cổ truyền, loài hoa này có thể làm giảm bệnh tiểu đường và tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, trong quá trình trồng, chăm sóc, chị Tâm hoàn toàn sử dụng phương pháp hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào cho nên sản phẩm từ hoa Đa Lộc nếu đưa vào ngành thực phẩm chính là sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Với những yếu tố thuận lợi như trên thiết nghĩ việc nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm trà từ hoa Đa Lộc của chị Tâm hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển và được mọi người đón nhận.
Đúc kết về câu chuyện khởi nghiệp của mình, chị Tâm nói: “Với các bạn trẻ ai cũng có tinh thần vươn lên, khẳng định bản thân mình. Tuy nhiên, quan trọng nhất đó là “dám nghĩ phải dám làm”. Muốn khởi nghiệp phải lập kế hoạch cụ thể, dù là nhỏ nhất. Đặc biệt là khi gặp khó khăn thì không được nản, kiên trì sẽ thành công”…
Cặp vợ chồng cử nhân sư phạm Thanh Hóa về quê làm... nông trại mắc ca
Cùng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm nhưng cặp vợ chồng Đỗ Trọng Học (SN 1985) và Phạm Thị Thu (SN 1987) đã lựa chọn về quê làm nông dân, phát triển nông nghiệp từ những cây trồng có giá trị ngay tại Như Xuân, Thanh Hóa.
Theo NGỌC NHƯ/baobinhduong.vn