Hà Nội: Củ cải, cà chua không ai mua, dân Mê Linh bỏ mặc thối hỏng đầy đồng
Giá rau quá rẻ, không có thương lái thu mua khiến những ruộng củ cải, cà chua ở Mê Linh (Hà Nội) bị nhổ bỏ vứt la liệt đầy đồng. Vụ mùa này, người trồng rau ở đây có nguy cơ trắng tay.
Video: Người dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) nhổ bỏ củ cải chất thành đống tại ruộng
Xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) được xem là một trong những vựa nông sản lớn nhất ở Hà Nội. Trung bình mỗi ngày bà con nông dân ở đây cung ứng cho thị trường khoảng 200 - 300 tấn rau củ quả các loại.
Những năm trước, chỉ cần bước vào vụ thu hoạch rau là đã có thương lái đến hỏi mua. Tuy nhiên năm nay, nhiều nhà thu hoạch rau màu xong vẫn không có người mua, điển hình là những luống củ cải quá lứa thu hoạch không có ai hỏi mua nên người dân chất đầy đồng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với thời tiết đã ảnh hưởng đến việc giao thương cũng như chất lượng rau củ mùa này không được tốt khiến hàng trăm tấn củ cải của bà con nông dân xã Tráng Việt đang trong tình trạng không thể tiêu thụ. |
Tải tự tay nhổ cả ruộng củ cải bỏ đống bên đường, anh Nguyễn Văn Thục ngậm ngùi chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 4 sào củ cải nhưng hiện nay chưa tiêu thụ hết 1 nửa, giá cả năm nay sụt giảm không tưởng. Nếu như năm trước giá củ cải bán được từ 5.000-7.000 đồng/kg nhưng năm nay giá giảm xuống còn khoảng 2.000 đồng/kg vẫn chưa có người mua nên tôi đành nhổ bỏ đi". |
Mọi năm đến kỳ thu hoạch, người dân chỉ cần tập kết rau, củ ở đầu ruộng là có thương lái vào tận nơi thu mua chở đi. Năm nay giá giảm rất thấp cũng khó bán vì thương lái không vào mua. Thế nên nhiều ruộng củ cải đã nhổ rải đầy ruộng vì người dân không biết mang đi đâu. |
Người dân ở Tráng Việt cho biết, chi phí gieo trồng và chăm bón một sào củ cải hết khoảng 4 triệu đồng nhưng hiện giờ giá củ cải chỉ khoảng 2.000 đồng/kg, nếu có bán hết cũng không đủ vốn. Không biết bán đi đâu nên nhiều gia đình chất củ cải lên xe chở đi đổ bỏ. |
Đối với những ruộng củ cải đã quá lứa và trổ hoa, người dân buộc phải nhổ bỏ để lấy đất trồng rau vụ mới. |
Con đường dẫn ra ruộng rải đầy củ cải. Nhiều gia đình đã nhổ hàng chục tấn củ nhưng không thể bán hoặc chế biến nên đành phải đổ ra một bãi ngay bên cánh đồng. Người dân nơi đây cho biết, ngoài nguyên nhân dịch bệnh thì lý do nữa là thời tiết năm nay nắng ấm liên tục nên củ cải bị già sớm, mẫu mã không đẹp. |
Cùng với củ cải, cà chua cũng là sản phẩm bị tồn đọng nhiều nhất ở nơi đây. Giá cà chua hiện giảm còn khoảng 1.300 đồng/kg, nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Trong ít ngày tới nếu không thu hoạch hết thì vẫn phải nhổ bỏ hết cây cà chua để chuyển sang gieo trồng loại cây khác cho kịp thời vụ.
Những ruộng cà chua cũng cùng số phận với củ cải. |
Anh Lương Văn Doanh có hơn 3 sào cà chua đã đến muà thu hoạch, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiêu thụ được 1/3 số cà chua. Hiện tại anh cùng vợ đang nhổ cà chua để lấy đất trồng vụ rau mới.
"Mới đầu năm mà giá bán thấp quá, cả vườn chả ai mua, nhà tôi có khoảng 7 tấn cà chua đang chờ héo, giá chỉ 1 nghìn đồng 1 cân cũng khó bán", anh Lương Văn Doanh buồn bã nói. |
Mặc dù giá rẻ nhưng nhiều nhà vẫn cố thu hoạch nhằm gỡ lại được chút ít tiền vốn. |
Tại ruộng, cà chua rụng đỏ au đầy dưới gốc. |
Nhiều nhà không bán được nên chán nản không muốn thu hoạch. |
Anh Đàm Văn Đua – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao ở xã Tráng Việt cho biết, hiện nay đang có khoảng 200-300 tấn củ cải đang bị tồn đọng không thể tiêu thụ, khoảng 50 tấn cà chua đang cần tiêu thụ gấp và một số ít các rau màu khác.
"Thời điểm hiện, trong các loại nông sản thì lượng củ cải đang bị tồn đọng nhiều nhất. Vì thời gian để không được lâu, do vậy chúng tôi sẽ cố gắng móc nối để giúp bà con tiêu thụ trong thời gian sớm nhất. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan, đoàn thể chung tay giúp đỡ bà con số nông sản đang bị tồn đọng hiện nay", anh Đua nói.
Bảo Khánh
Làng trồng hoa nổi tiếng ở Hà Nội ế ẩm, dân khóc ròng cắt hoa vứt đầy ruộng
Vụ hoa lớn sau Tết mong chờ một mùa bội thu, ai dè dịch bệnh phức tạp, các lễ hội tạm dừng khiến vựa hoa lớn nhất nhì ở Hà Nội lâm vào cảnh ế ẩm không bản nổi, người dân Tây Tựu phải cắt hoa vứt đầy ruộng.