Doanh nghiệp chứng khoán, bất động sản đầu tư cổ phiếu lỗ đậm hàng trăm tỷ đồng
Nhiều doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán đầu tư cổ phiếu đã lỗ đậm hàng trăm tỷ đồng.
Cuối năm 2021 là thời điểm thị trường sôi động, lợi nhuận các công ty chứng khoán bùng nổ mà cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau lập đỉnh.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán không còn như nhà đầu tư mong đợi, đặc biệt là trong quý 2/2022, thị trường chứng khoán biến động mạnh cùng ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường trong và ngoài nước, khiến hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng kéo theo lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Hầu hết CTCK đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Thậm chí, nhiều CTCK còn lỗ nặng do tự doanh kém hiệu quả.
Đầu tiên phải kể đến Công ty Chứng khoán APEC (APS), là công ty lỗ lớn nhất tính đến thời điểm này. Quý 2/2022, APS lỗ trước thuế 442 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng là 384 tỷ đồng.
Chứng khoán Bảo Minh lỗ 165 tỷ đồng; Chứng khoán APG lỗ 106 tỷ đồng; Chứng khoán Thiên Việt lỗ gần 57 tỷ đồng…
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) báo lỗ sau thuế quý 2/2022 gần 300 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là bị lỗ từ các tài sản tài chính lên 309,5 tỷ đồng do đầu tư vào các cổ phiếu gồm GEX, TCB, PET, PMC, SIP và các cổ phiếu khác.
Công ty chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng báo lỗ trước thuế 161,2 tỷ đồng trong quý 2/2022. Một trong những nguyên nhân là công ty bán ra danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu bị lỗ lên đến 367,3 tỷ đồng.
Rồng Việt cũng báo lỗ quý 2/2022 là 233,8 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm nay bị lỗ 128,7 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu đầu tư của Rồng Việt là các cổ phiếu như DBC, TCB, CTG, HPG, HSG, ACB… đã giảm mạnh so với đỉnh.
Còn Công ty CP chứng khoán Tiên Phong (TPS) của ngân hàng TPBank lỗ tới 250 tỷ đồng xuất phát từ hoạt động mua bán tài sản tài chính. Trong đó, hoạt động mua bán trái phiếu chưa niêm yết đã khiến TPS lỗ tới 135 tỷ đồng.
Trong đó, TPS lỗ gần 100 triệu đồng từ mua bán trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội; lỗ 24 tỷ đồng do đầu tư vào cổ phiếu SSI...
Một công ty chứng khoán lỗ kỷ lục nữa là Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Quý 2, Rồng Việt bị lỗ tới 234 tỷ đồng, chủ yếu do đầu tư vào cổ phiếu như: DBC của Dabaco, CTG của VietinBank, TCB của Techcombank, ACB của Ngân hàng Á Châu (ACB)…
Trong đó, VDSC đầu tư 129 tỷ đồng vào cổ phiếu DBC của Dabaco Việt Nam; đầu tư 95 tỷ đồng vào TCB của Techcombank; đầu tư 62 tỷ đồng vào ACB của Ngân hàng Á Châu; và 55 tỷ đồng vào HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát…
6 tháng đầu năm 2022 do thị trường chứng khoán biến động mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu lao dốc, trong đó cổ phiếu DBC đã mất 44% trong nửa đầu năm; cổ phiếu CTG giảm 23% trong nửa đầu năm…
Thậm chí, hàng loạt công ty chứng khoán lớn tuy không bị lỗ nhưng lợi nhuận cũng không tránh khỏi “đà giảm”, như SSI giảm 26%, VCSC giảm 30%, FPTS giảm 58%, VIX giảm 47%... đều báo lãi giảm mạnh.
Không chỉ các công ty chứng khoán, làn sóng lợi nhuận lỗ còn lan sang các công ty bất động sản mà nguyên nhân chính dẫn đến lỗ cũng chỉ vì… đầu tư chứng khoán.
Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN), 6 tháng đầu năm 2022, NDN báo lỗ kỷ lục. Theo báo cáo tài chính, NDN lỗ ròng hơn 114 tỷ đồng trong quý 2/2022, kéo lợi nhuận lỗ hơn 90 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do thua lỗ chứng khoán.
Trong khi trước đó, doanh nghiệp từng thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận từ chứng khoán. Năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính của NDN đạt hơn 200 tỷ đồng, trong đó trên 130 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, gấp 6 lần cùng kỳ 2020.
Một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản nữa là Công ty cổ phần Licogi 14 (L14). Quý 2/2022, L14 lỗ ròng hơn 346 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, L14 lỗ hơn 234 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chứng khoán lỗ lớn vì đầu tư chứng khoán, các chuyên gia cho rằng, ngoài sự suy giảm của thị trường, doanh thu hoạt động giảm, trong khi chi phí hoạt động tăng. Đây là bức tranh chung trong báo cáo bán niên chuẩn bị công bố.
Đối với các doanh nghiệp khác, lý do khiến các doanh nghiệp lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán để rồi bị lỗ đậm hàng trăm tỷ đồng một phần là do dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, họ đã “đổ tiền” vào thị trường chứng khoán đưa thị trường “thăng hoa” vào thời điểm cuối năm 2021. Năm 2022, bất ngờ thị trường ngày càng lao dốc, nhà đầu tư không kịp rút phải “ôm nợ”.
Hải Yến
Loạt cổ phiếu CNTT, điện tử đầu bảng FRT, MWG, DGW lao dốc mạnh, nhà đầu tư có nên xuống tiền?
Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7, giá cổ phiếu các doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng ICT&CE (công nghệ thông tin và điện tử gia dụng) đồng loạt rơi vào tình trạng lao dốc.