Thi tốt nghiệp THPT: Chiến lược giành trọn điểm môn Tiếng Anh trong tuần cuối
“Bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT thường có 2 bài đọc hiểu gồm 12 câu chiếm gần 25% tổng điểm bài thi, đây là dạng bài khó nhất trong đề nên các em cần nỗ lực và có chiến lược làm bài thông minh, hiệu quả”.
Với kinh nghiệm giảng dạy và ôn thi nhiều năm, cô Nguyễn Thị Thanh Hương - giáo viên môn Tiếng Anh - Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã hướng dẫn học sinh các cách làm bài Đọc hiểu môn Tiếng Anh để đạt điểm tối đa ở phần này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Ảnh minh họa. |
Lưu ý cho dạng bài khó nhất trong đề thi
Phần đọc hiểu là dạng bài khó nhất trong đề thi, các em nên dành khoảng thời gian tối ưu từ 20 đến 25 phút để làm bài, tập trung tìm đúng thông tin liên quan đến đáp án thông qua các ý chính, tuyệt đối không được đọc lướt ý của câu hỏi dẫn đến việc hiểu sai câu hỏi, đặc biệt là khi câu hỏi chứa các từ có chứa yếu tố phủ định.
Bên cạnh đó, học sinh không nên lãng phí thời gian vào việc tìm hiểu các từ mới, để hiểu ý chính của đoạn/bài văn, các em đọc kĩ những câu mở đầu và đoạn mở đầu hoặc cuối cùng kết đoạn. Chọn câu dễ làm trước để có tinh thần thoải mái, tự tin hơn khi xử lí bài tiếp theo mà không cần theo tự câu hỏi
Các em cần nắm được các dạng câu hỏi xuất hiện trong bài đọc hiểu và cách làm của từng bài: câu tìm ý chính/ nhan đề ; câu hỏi chi tiết, câu hỏi Từ vựng, câu hỏi đại từ thay thế, câu hỏi chứa yếu tố phủ định, câu hỏi đúng sai, câu hỏi suy luận… Để trả lời các câu hỏi chúng ta cần có kĩ năng đọc lướt để xác định thông tin chính của đoạn, và kĩ năng đọc tỉ mỉ để tìm ra thông tin được hỏi.
Phương pháp làm bài đọc hiểu
Cô Thanh Hương cho biết, đối với dạng bài đọc hiểu, học sinh có 2 cách để làm bài phụ thuộc vào sở thích, năng lực và quan điểm của từng em.
Thứ nhất, học sinh nên đọc câu hỏi trước, tìm những “key words” trong câu hỏi, sau đó đọc lại bài, lục tìm đoạn thông tin chứa “key words” và đưa ra câu trả lời.
Thứ hai, các em có thể đọc lướt qua đoạn văn để hiểu được nội dung chính, đặc biệt chú ý đến đoạn mở đầu và những câu đầu tiên của đoạn (topic sentence) bởi đây là những câu chứa ý khái quát của cả đoạn. Có thể viết tóm tắt nội dung chính của từng đoạn hay gạch chân “key word”. Sau đó mới đọc câu hỏi và đưa ra câu trả lời.
Chiến lược làm bài Đọc hiểu
1. Tìm hiểu ý chính của bài: sử dụng kỹ năng: Đọc lướt
· Tiêu đề
· Bài có bao nhiêu đoạn, Nội dung chính của từng đoạn
· Đọc thật kỹ câu chủ đề (thường nằm ở đầu/ cuối đoạn văn)
· Kết nối logic ý các đoạn (nếu có thể)
2. Tìm câu trả lời
· Đọc thật kỹ từng câu hỏi, tìm “key word” của câu hỏi
· Rà trong bài tìm thông tin liên quan (chính là key word hay từ đồng nghĩa, trái nghĩa với key word)
· Đọc câu hỏi lần nữa cùng với các phương án trả lời để tìm ra đáp án đúng nhất
Chú ý loại câu hỏi trong bài đọc hiểu (Types of questions)
Nắm vững và làm quen với các dạng câu hỏi cho phép các em tiết kiệm thời gian phân tích và hiểu nghĩa của dạng câu hỏi đó, từ đó có thêm thời gian để đọc câu trả lời cho mỗi câu và tìm đáp án đúng của bài. Trong bài phân tích này, cô Thanh Hương cũng có những gợi ý cho học sinh tìm câu trả lời ở đâu.
1. Main idea (Câu hỏi về: Ý chính)
What is the topic of this passage? (Chủ đề của bài viết là gì?)
- What is the main idea expressed in this passage? (Ý chính được thể hiện trong bài là gì?)
- Which title best reflects the main idea of the passage? (Nhan đề phù hợp nhất cho ý chính của bài là gì?
Các câu hỏi về ý chính của bài chúng ta hãy quan sát tiêu đề của bài nếu có. Hãy tập trung tìm ý chính ở phần đoạn mở đầu hay đoạn kết bài, vì đây thường là phần giới thiệu và tổng kết ý chính của cả bài.
2. Factual Questions (Câu hỏi lấy thông tin)
According to the passage, why/ what/ how…? (Theo như đoạn viết, tại sao? Cái gì? Thế nào?...)
- According to the information in paragraph 1, what…? (Theo như thông tin trong đoạn 1, cái gì…?)
Câu hỏi lấy thông tin chi tiết thì nhất thiết cần phải bám sát nội dung cụ thể của bài để tìm câu trả lời. Ở các câu hỏi dạng này, kỹ năng tìm KEY WORD ở cả câu hỏi và câu trả lời là cực kỳ quan trọng, lấy từ khóa từ câu hỏi làm manh mối tìm câu trả lời trong bài đọc. Chú ý từ khóa ở câu hỏi là các động từ chính, danh từ chính, tính từ chính, từ chỉ thời gian, nơi chốn….
Điểm khó ở dạng này là đôi lúc họ dùng các từ đồng nghĩa với nhau chứ không phải là chính từ khóa có trong câu hỏi được đưa ra. Để giải quyết vấn đề này cần phải thường xuyên tích lũy từ vựng cho phong phú, đa dạng .
3. Negative factual Questions: (Câu hỏi lấy thông tin phủ định- đối lập)
Các em cần đọc cẩn thận câu hỏi và chú ý đến những từ phủ định thường được in hoa sau:
· EXCEPT… ( ngoại trừ)
· NOT mention…. (không được nhắc đến)
· LEAST likely… (ít có khả năng xảy ra…)
Vói các câu hỏi này thông tin nào không được nhắc đến trong bài hoặc thông tin sai sẽ là câu trả lời được chọn.
Cần bình tĩnh về cả tâm lý để đọc chuẩn câu hỏi và loại các phương án đã xuất hiện trong bài để tìm ra đáp án chính xác.
4. Vocabulary Questions (Câu hỏi về từ vựng)
The expression “____” in line “____” could best replaced by….
The word “____” in line “____” is closest meaning to…
Từ / cụm từ “____” ở dòng “____” có thể được thay thế bởi/ gần nghĩa nhất với từ nào?
Câu hỏi này hỏi các em kiến thức về từ vựng và khả năng hiểu nghĩa của từ hoặc cụm từ. Tuyệt vời nhất nếu các em biết nghĩa của từ được in đậm và các phương án lựa chọn. Nhưng thông thường đề thi sẽ hỏi 1 từ khó hoặc từ mới các em không biết nghĩa, hãy bình tĩnh, đừng lo lắng hay bỏ cuộc. Hãy sử dụng câu và ngữ cảnh có chứa từ cần hỏi nghĩa, sử dụng logic để phán đoán nghĩa của nó rồi chọn. Hoặc các em hoàn toàn có thể dùng phương pháp thay thế các lựa chọn lên từ cần tìm nghĩa, xem phương án nào hợp lý nhất.
Chú ý là có trường hợp từ được hỏi đó nếu đặt riêng lẻ thì rõ ràng đồng nghĩa hay gần nghĩa với 1 phương án được đưa ra; nhưng hãy chú ý vì nếu đặt vào ngữ cảnh của nó thì có thể đáp án chính xác lại là một phương án khác phù hợp với văn cảnh của bài văn.
5. Reference Questions: (Câu hỏi liên hệ đến từ vựng)
“It”/ “They” , “Them”, “Those”…. in line “____”refers to_____
Từ “It”/ “They”, “Them”, “Those”…. ở dòng… để ám chỉ…
Đây là một câu tương đối đơn giản, vì đáp án chính xác do được thay thế bởi các từ trên kia nên chỉ nằm rất gần với các từ này, hãy đọc kỹ câu văn đó hoặc các câu có liên quan đó để tìm ra đáp án đúng.
6. Inference Questions: (Câu hỏi suy diễn)
It is probable that…
It can be inferred from the passage that…
In the paragraph 2, the author implies/ suggests that…
Có thể là…
Có thể được suy ra từ đoạn là…
Trong đoạn 2, tác giả ngầm ám chỉ/ gợi ý rằng…
Dạng câu này tương đối khó vì đáp án đúng có thể không xuất hiện trực tiếp trong bài, các em cần nắm được nội dung bài khá tốt để đưa ra đáp án chính xác cho những câu hỏi suy luận. Chú ý tính logic của bài và những manh mối, tính chất nối tiếp…
7. Questions on author’s attitude. (Câu hỏi về thái độ của tác giả)
What is the author’s opinion / attitude of _____?
Which of the following most accurately reflects the author’s opinion of ____?
Ý kiến/ thái độ của tác giả thể hiện trong bài là gì?
Điều nào dưới đây phản ánh chính xác nhất ý kiến/ thái độ của tác giả?
(Some words may appear in choices: Positive: Tích cực, Negative: Tiêu cực, Neutral: Trung lập, Supportive: Ủng hộ, Support/admire, Skeptical: Nghi ngờ…
Để trả lời câu hỏi này cần dựa vào những câu có thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả khen, chê, ủng hộ, nghi ngờ…
Hoàng Thanh