Thí sinh Olympia 'quên' số cứu hỏa: Giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường thế nào?
Tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia phát sóng hôm 26/9, cả 4 thí sinh tranh tài đều không thể nhớ ra số khẩn cấp gọi PCCC là 114 khiến nhiều khán giả bất ngờ.
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 vừa mới chính thức lên sóng số đầu tiên với màn so tài của Nguyễn Khánh Tùng (THPT Thái Phiên, Hải Phòng), Chu Văn Sơn (THPT Quảng Oai, Hà Nội), Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) và Hà Vũ Anh (THPT chuyên Bắc Kạn, Bắc Kạn).
Sau khi màn tranh tài kết thúc, điểm nhấn trong lòng nhiều khán giả chính là phần thi Vượt chướng ngại vật. Nhiều khán giả còn nhận xét rằng phần thi này "tấu hài" nhất lịch sử chương trình.
Chướng ngại vật được chương trình đưa ra là một ẩn số gồm 3 chữ số. Với 4 dữ kiện, các thí sinh đã trả lời đúng 2, sai 2.
Cụ thể, ở hàng ngang lựa chọn đầu tiên (số 3) gồm 6 chữ cái có câu hỏi: Từ nào còn thiếu trong câu nói xưa của ông cha ta "Cứu người như..."?
Tưởng chừng câu hỏi này sẽ chẳng thể nào làm khó các thí sinh, nào ngờ không một ai có thể giành được 10 điểm từ chương trình, khi chỉ duy nhất Khánh Tùng đưa ra đáp án là "XÂY NHÀ". Đáp án chính xác của câu hỏi này phải là "CỨU HỎA".
"Cứu người như cứu hỏa" là một câu nói quá quen thuộc trong đời sống thường ngày để so sánh về mức độ cấp thiết của 2 hành động này.
Thí sinh Olympia gặp khó khăn trong các dữ liệu liên quan đến cứu hỏa |
Còn về ẩn số của chương trình sau khi có các dữ kiện "60", "KHẨN CẤP", "CỨU HỎA", "ĐIỆN THOẠI" phải là 114 - tổng đài gọi cứu hỏa, cứu nạn (PCCC) trong trường hợp khẩn cấp ở Việt Nam. Ấy vậy nhưng các con số mà thí sinh đưa ra lại là 111 - 144 - 115. Điều này khiến khán giả không khỏi khó hiểu!
Qua sự việc này, nhiều khán giả cho rằng học sinh hiện nay được học nhiều trong sách vở mà không chú trọng đến kiến thức sát sườn trong cuộc sống là hướng đi sai lầm.
Giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường thế nào?
Theo các chuyên gia giáo dục thì ngay từ bậc học mầm non, các em học sinh đã được làm quen với các bài học tình huống nguy cấp gắn với những số điện thoại 111, 113, 114, 115. Tuy nhiên, không phải cơ sở giáo dục nào cũng biết cách truyền dạy kỹ năng sống một cách hiệu quả cho học sinh.
Theo cô Lê Thị Loan - Học viện Quản lý Giáo dục, để truyền đạt hiệu quả kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh ở lứa tuổi nhỏ thì cần phương pháp giáo dục kỹ năng sống qua thực hành và trải nghiệm. Điều quan trọng không phải là dạy học sinh ghi nhớ để đó mà phải giúp các em vận dụng được kiến thức đó để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hay trong những trường hợp khẩn cấp.
Giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong các môn học (ảnh minh họa) |
“Ví như ở mầm non các con đã được dạy cần cứu hỏa thì gọi 114, cấp cứu y tế thì gọi 115. Vậy việc quan trọng là trong những tình huống có cháy hay có người bị thương các con có nhớ gọi số nào hỗ trợ không?
Về việc dạy kỹ năng sống trong nhà trường, bên cạnh việc hướng đến mục tiêu đưa các bài học về kỹ năng sống phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thì cần đáp ứng tính thực tế.
Muốn thế thì nội dung mỗi bài học kỹ năng sống phải được chuyển đến học sinh dưới những câu chuyện thú vị, tình huống gần gũi, trực quan sinh động và quan trọng nhất là có các bài tập trải nghiệm.
Các cô có thể cho con đóng vai khi thấy đám cháy các con làm gì, hay khi gặp người bị thương các con làm gì... Có vậy, các con mới nắm bắt được bản chất vấn đề và ghi nhớ những kỹ năng đó một cách tự nhiên, lâu bền và có tác động mạnh đến việc kích thích sự thay đổi trong hành vi”, cô Loan nói.
Về trường hợp của 4 "nhà leo núi" không nhớ số gọi cứu hỏa, cô Loan cho rằng đó có thể do họ chưa đủ liên tưởng và gắn kết các dữ liệu với nhau để biết rằng chướng ngại vật chính là số điện thoại gọi cứu hỏa.
Nói thêm về việc giáo dục kỹ năng sống trong các trường học hiện nay, cô Loan nhận định rằng điều kiện thực hành hạn chế cũng làm giảm hiệu quả của bộ môn này mặc dù trong chương trình luôn có các bài học về kỹ năng.
“Kỹ năng chỉ được xác lập khi các con hiểu và biết cách áp dụng vào thực tế. Muốn vậy thì cần phải thực hành nhiều hơn là những tiết học thiên về lý thuyết. Bản thân người giáo viên phải nắm rõ các nguyên lý an toàn, trang bị đủ các phương tiện dạy học.
Chắc mọi người vẫn chưa quên vụ việc trẻ mầm non bị bỏng nặng tại tiết học kỹ năng sống ở Hà Nam. Khi cô giáo dạy kỹ năng mà lại thiếu kiến thức về phòng cháy, không lường được nguy hiểm khi dùng cồn vào mâm, có gió thổi mạnh và xung quanh rất nhiều học sinh nhỏ tuổi để châm lửa đốt cồn.
Một kiến thức căn bản mà ai cũng biết là khi cồn gặp không khí, tiếp xúc gió thì ngọn lửa bùng lên và phát tán rất nhanh, mạnh, khả năng bị lửa cồn tạt làm bỏng là rất lớn nếu không chú ý đến kỹ năng an toàn. Đó cũng là một bài học lớn.
Ngoài hạn chế về điều kiện để học sinh thực hành thì nhiều nội dung quan trọng khác về kỹ năng sống vẫn chưa có điều kiện để triển khai rộng rãi trong nhà trường”, cô Loan nói.
Điểm nhấn trận Olympia đầu tiên của năm thứ 22: Thí sinh không biết số gọi cứu hoả là số nào!
Khán giả đã phải bất ngờ vì vốn hiểu biết của 4 thí sinh tiên phong cho mùa thi Olympia thứ 22.
Hoàng Thanh