Thêm Patriot tới Iraq, Mỹ vẫn "bất lực" trước tên lửa Iran
Theo báo cáo của Defense News, Mỹ đang triển khai nhiều hệ thống phòng không tới Iraq để bảo vệ tốt hơn cho quân đội Mỹ ở đây trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket của lực lượng do Iran hậu thuẫn. Đây là động thái cần thiết để đối phó với bất kỳ sự xâm lược từ bên ngoài nào của lực lượng Mỹ tại Iraq.
Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống Patriot đến Iraq. Nguồn: eastday.com. |
Bộ Quốc phòng Mỹ tuần trước cũng xác nhận rằng, đã triển khai các hệ thống phòng không Patriot tới Iraq. Ba tháng sau khi Iran tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào lực lượng quân sự của Mỹ tại 2 căn cứ quân sự ở Iraq, các hệ thống Patriot đã chính thức được triển khai cho hai căn cứ không quân này. Trước đây, Iran đã lợi dụng sự thiếu hụt về khả năng phòng không của lực lượng Mỹ ở Iraq để tiến hành nhiều cuộc tấn công tên lửa, khiến hàng chục binh sĩ Mỹ bị thương.
Hệ thống phòng không Patriot có khả năng ngăn chặn nhiều mối đe dọa từ trên không đối với các mục tiêu mặt đất, bao gồm máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình. Một hệ thống Patriot thường bao gồm xe phóng M901, radar theo dõi mục tiêu AN/MPQ-53, phòng điều khiển chiến đấu có người lái và xe nguồn.
Hệ thống Patriot được cho là mối đe dọa nghiêm trọng với Iran. Nguồn: eastday.com. |
Theo báo cáo, kể từ tháng 1/2020, Mỹ đã tiến hành hội đàm với Iraq về việc triển khai hệ thống phòng không Patriot, nhưng phải đến hiện nay Mỹ mới có thể triển khai, điều này cho thấy, Iraq cũng không mong muốn Mỹ đưa Patriot đến quốc gia này.
Về phía Iran, đuổi quân Mỹ khỏi Iraq là mục tiêu chiến lược lớn đối với Iran. Tehran hy vọng sẽ sử dụng sự ảnh hưởng của mình ở Iraq để xây dựng đội quân “ủy nhiệm” tấn công mạnh mẽ vào các lực lượng Mỹ ở Iraq và buộc Mỹ phải rút quân. Iran tin rằng việc triển khai hệ thống phòng không Patriot của Mỹ ở Iraq sẽ dẫn đến sự bất ổn và thảm họa chiến tranh trong khu vực.
Mặc dù hệ thống Patriot có thể đóng một vai trò nhất định trong việc hạn chế các cuộc tấn công của Iran, nhưng Mỹ cũng biết rằng, Patriot không thể hoàn toàn đối phó được với lượng lớn tên lửa và rocket của các lực lương thân Iran. Do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã triển khai thêm các hệ thống chống rocket, pháo cối ở một số khu vực của Iraq. Lầu năm góc thường dựa vào các hệ thống này để bảo vệ hệ thống phòng không Patriot.
C-RAM là hệ thống phòng thủ cận chiến của Mỹ để bảo vệ Patriot. Nguồn: eastday.com. |
Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh trong hành động này đó là, việc bố trí binh lực tại nhiều căn cứ với quy mô khác nhau trên khắp đất nước Iraq gây khó khăn cho việc bảo vệ từng căn cứ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Ngày 11/3/2020, tổ chức dân quân Shia Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã tấn công căn cứ Trại Taji bằng rocket 107 mm, làm một số lính Mỹ và Anh thương vong. Đáp lại, ngày 12/3, Mỹ đã tấn công 5 địa điểm lưu trữ vũ khí của Hezbollah. Hai ngày sau, trại Taji một lần nữa bị rocket tấn công và ba lính Mỹ bị thương. Đến ngày 17/3, tên lửa một lần nữa tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ ở miền nam Baghdad.
Những cuộc tấn công này đã đặt ra nhu cầu cấp thiết cho Quân đội Mỹ về viêc nhanh chóng tăng cường khả năng đối phó với hỏa lực “không tập trung” của đối phương, khả năng này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn của binh lính và vũ khí Mỹ nằm rải rác trong lãnh thổ Iraq. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Quân đội Mỹ cũng nên đẩy nhanh việc bố trí hệ thống “Vòm sắt” đã mua. Cùng với đó, cũng đẩy nhanh tiến trình tái bố trí lực lượng tại Iraq, theo đó, các căn cứ nhỏ cần giải tán, chỉ tập trung lực lượng tại các căn cứ lớn, từ đó, các căn cứ này sẽ nhận được sự bảo hộ tốt hơn từ hệ thống Pattriot và hệ thống C-RAM.
Hệ thống Vòm sắt được Mỹ nhập khẩu từ Israel. Nguồn: eastday.com. |
Trên thực tế, trong tháng vừa qua, Mỹ đã chuyển giao ít nhất bốn căn cứ của mình cho lực lượng an ninh Iraq, bao gồm căn cứ K1 ở tỉnh Kirkuk, căn cứ Qayyara ở tỉnh Nineveh, căn cứ Qaim gần biên giới giáp với Syria. Một số lính Mỹ cũng sẽ rời khỏi Iraq, một số khác sẽ được triển khai đến các căn cứ lớn khác ở Iraq. Lầu Năm Góc cho rằng, việc điều chuyển lực lượng và căn cứ quân sự là “kết quả trong việc thành công tiêu diệt lực lượng ISIS”, đó là những hoạt động được lên kế hoạch dài hạn, không phải là phản ứng trước các cuộc tấn công tên lửa gần đây.
Bất kể là như thế nào, việc tăng cường thêm hệ thống Patriot và C-RAM mặc dù cũng gia tăng khả năng an toàn của các căn cứ Mỹ ở Iraq, nhưng điều này là không đủ. Iran sẽ không ngừng mở rộng phạm vi và quy mô các cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ ở Iraq, các cuộc không kích này vốn đã trở thành “đặc trưng” trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tehran từ năm 1979. Không những vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến chính phủ Iran thực hiện các biện pháp cực đoan hơn. Điều này có thể bao gồm các cuộc tấn công khủng bố và tấn công tên lửa vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ đóng quân tại Iraq và các nơi khác.