Thêm 4.260 người tiêm chủng vắc xin COVID-19, chỉ ghi nhận phản ứng thông thường sau tiêm
Bộ Y tế sáng 16/3 cho biết sau 1 tuần tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổng cộng 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố
Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia cho biết, có thêm 4.260 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 15/3/2021.
Như vậy, sau đúng một tuần triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổng cộng 15.865 người đã được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà.
Đối tượng được tiêm bao gồm: cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 15/3/2021 Chương trình tiêm chủng mở rộng đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… tương tự như thông báo của nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca.
Các thông điệp tư vấn và hướng dẫn theo dõi phản ứng sau tiêm của loại vắc xin mới này được các cán bộ y tế truyền tải cho từng người đi tiêm chủng.
Vì vậy, các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm vắc xin COVID-19 được người đi tiêm chủng thông báo ngay cho các cơ sở y tế để ngành y tế kịp thời xử lý theo đúng quy định, giúp những trường hợp có phản vệ độ 2 và 3 sớm ổn định sức khoẻ.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng cho biết: Không riêng vắc xin AstraZeneca, hầu hết các loại vắc xin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỉ lệ nhất định. Điều quan trọng là có theo dõi, đánh giá. Bộ Y tế đã đề nghị tất cả địa phương ghi nhận trường hợp có phản ứng sau tiêm, thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân.
Hiện tại, WHO và các đơn vị chuyên môn khác vẫn khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vắc xin, cân nhắc lợi ích vắc xin và nguy cơ dịch bệnh. Đến nay cũng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu.
Vì vậy Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vắc xin như kế hoạch. Số lượng còn lại, dự kiến từ nay đến cuối tháng 3 chúng ta sẽ tiêm hoàn tất.
Từ nay đến tháng 4, Việt Nam sẽ nhận thêm 4,1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ chương trình COVAX và từ nguồn đặt mua, khi đó sẽ triển khai tiêm tiếp cho các đối tượng ưu tiên tiếp theo, đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam chủ yếu là sốt cao, tăng huyết áp
Với người có phản ứng sau tiêm vắc xin AstraZeneca chủ yếu là sốt cao, tăng huyết áp, không gặp trường hợp như ở Châu Âu, do đó Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm và theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm.
Theo suckhoedoisong.vn