Quân đội Mỹ ở Trung Đông được đặt trong tình trạng báo động cao
Politico dẫn lời một quan chức quân đội cho biết, quân đội Mỹ ở Trung Đông đã được đặt trong tình trạng báo động cao đề phòng trường hợp Iran tấn công.
Theo quan chức này, Lầu Năm Góc đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu “đáng lo ngại” về việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng của lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq. Ông nhắc lại, trước đó các nhóm ủng hộ Tehran gần đây đã gia tăng các cuộc tấn công tên lửa trong khu vực.
Quân đội Mỹ ở Trung Đông được đặt trong tình trạng báo động. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Hôm 10/12, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hai máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ đã bay qua Trung Đông để “kiềm chế hành động gia tăng căng thẳng”. Bằng cách này, Lầu Năm Góc tìm cách chứng minh cho các đối tác thấy sự sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự trong khu vực.
Theo nguồn tin của Politico, Lầu Năm Góc sẽ không tự khởi động bất kỳ hành động nào. “Quân đội Mỹ không có ý định tấn công, mà chỉ có một kế hoạch thể hiện các vị trí phòng thủ chắc chắn để khiến kẻ thù tiềm tàng phải suy nghĩ,” nguồn tin cho hay.
Cũng theo nguồn tin này, các hoạt động của Washington nhằm mục đích ngăn chặn Iran khỏi bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Mỹ và liên minh chống khủng bố quốc tế do nước này đứng đầu. Theo đó, Lầu Năm Góc lo ngại rằng Tehran có thể lợi dụng sự thay đổi quyền lực trong chính quyền Mỹ, việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan, cũng như lễ kỷ niệm nhân dịp ngày mất của Tướng Iran Qasem Suleimani bị ám sát trong một hành động của Mỹ.
Trước đó, hôm 3/12, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan đến Iran trong khi phía Iran tuyên bố không chấp nhận đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân. Vụ việc khiến quan hệ giữa Iran và Mỹ đột ngột căng thẳng trong những ngày cuối cùng mà Tổng thống Donald Trump còn tại nhiệm, nhất là sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này bị sát hại vào tuần trước.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào công ty Shahid Meisami, có trụ sở tại Tehran và giám đốc của công ty này là ông Mehran Babri với cáo buộc có liên hệ với Tổ chức Nghiên cứu và Sáng tạo Quốc phòng Iran (IODIR). Theo lệnh trừng phạt, các tài sản của công ty Shahid Meisami và ông Babri sẽ bị đóng băng, các công dân Mỹ bị cấm giao dịch với thực thể và cá nhân này.
“Việc trừng phạt Iran là cam kết của chúng tôi trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố của Iran trên toàn cầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục trừng phạt đối với Iran cho đến khi nào Iran ngừng các hoạt động khủng bố và cam kết rằng sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.
Ngay sau đó, phản ứng với các động thái của phía Mỹ, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố, Iran sẽ không chấp nhận bất cứ giới hạn nào đối với chương trình hạt nhân của nước này, cũng như đối với hoạt động hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, trừ khi các quốc gia phương Tây ngừng “hành vi ác ý” tại Trung Đông. Ngoài ra, Ngoại trưởng Zarif cũng phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA).
‘Nạn nhân thực sự’ trong cuộc chiến chống lại Nord Stream 2 của Mỹ
Ông Sergei Markov, Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị Nga và là thành viên của Tòa thị chính Liên bang Nga cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RT rằng Berlin sẽ “chiến đấu trong tuyệt vọng” với Nord Stream 2, bất chấp hành động của Washington.
Thanh Bình (lược dịch)