Vì sao Trung Quốc có CEO và tỷ phú là phụ nữ nhiều nhất thế giới?
Trung Quốc đang là quốc gia có số lượng phụ nữ đảm nhận cương vị CEO và tỷ phú nhiều nhất thế giới.
So với phụ nữ sinh sống tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới, số lượng phụ nữ Trung Quốc tham gia lực lượng lao động hiện nhiều hơn. Ngoài ra, phụ nữ Trung Quốc cũng đang chiếm ưu thế thành công lớn hơn trong thế giới kinh doanh.
Theo báo cáo của công ty tài chính MSCI vào tuần trước, trong năm 2021, khoảng 6,4% CEO trong danh sách các công ty đặt tại Trung Quốc là nữ giới, so với mức trung bình 5,4% tại các thị trường đang nổi và 5,2% tại các nền kinh tế phát triển.
Doanh nhân Zhong Huijuan hiện là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. (Ảnh: SCMP) |
Cũng trong năm ngoái, hơn 26% giám đốc tài chính (CFO) tại các công ty Trung Quốc là nữ giới, so với mức trung bình toàn cầu là 15,8%, theo MSCI.
Tương tự, số lượng phụ nữ Trung Quốc nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới cũng đang gia tăng. Trong hơn 10 năm qua, phụ nữ Trung Quốc đã chiếm ưu thế trên bảng xếp hạng các nữ tỷ phú tự thân, theo ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm trưởng nghiên cứu của hãng nghiên cứu nổi tiếng xếp hạng thường niên người giàu Trung Quốc.
Ông Hoogewerf nhấn mạnh danh sách người giàu trên khắp thế giới do Hurun tổng hợp trong năm 2021 cho thấy, 66% nữ tỷ phú tự thân toàn cầu là người Trung Quốc. Ông Hoogewerf nói thêm xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm nay.
Lý do hàng đầu giải thích vì sao phụ nữ Trung Quốc ngày càng thành công trong thế giới kinh doanh là do họ có nhiều cơ hội làm việc, theo ông Hoogewerf.
“Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong 20 năm qua. Tại Trung Quốc, việc ông bà chịu trách nhiệm chăm sóc cho con cháu đã giúp những người phụ nữ có thêm thời gian tập trung cho sự nghiệp. Do đó, quãng thời gian sự nghiệp của phụ nữ bị gián đoạn vì phải chăm sóc con nhỏ cũng được rút ngắn rất nhiều”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Hoogewerf.
Ông Hoogewerf nói thêm một lý do khác là chính phủ Trung Quốc đã chú trọng hơn tới công tác đảm bảo bình đẳng giới cho phụ nữ bằng cách khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động và được trả lương tương đương nam giới.
Gần 80% nữ giới Trung Quốc trên 15 tuổi đã tham gia vào lực lượng lao động vào năm 1990. Tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 60% trong những năm gần đây. Nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
“Trung Quốc hiện là môi trường tốt nhất trên thế giới đối với các nữ doanh nhân”, ông Hoogewerf nhấn mạnh.
Bà Lu Xin (41 tuổi), nữ doanh nhân đã thành lập 2 công ty ở thành phố Thượng Hải kể từ năm 2015, xác nhận môi trường kinh doanh dành cho nữ giới tại Trung Quốc đã được cải thiện, khi ngày càng nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn và nhận được sự hỗ trợ lớn từ bố mẹ đẻ cũng như bố mẹ chồng trong việc chăm sóc con cái.
Song bà Lu cho biết yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của người phụ nữ chính là tính cách và nỗ lực của bản thân.
“Nói chung, phụ nữ Trung Quốc thường kiểm soát cảm xúc một cách tinh tế và họ có khả năng làm việc theo nhóm. So với nam giới, phụ nữ thường kiên trì cố gắng vươn tới mục tiêu đã đặt ra bất chấp khó khăn”, bà Lu cho hay.
Ông Zhou Dewen, nhà nghiên cứu tại tỉnh Chiết Giang, khu vực phát triển mạnh lĩnh vực kinh doanh tư nhân, cho hay ngoài tính cách cá nhân, các nữ doanh nhân còn có lối suy nghĩ thấu đáo hơn so với nam đồng nghiệp.
“Phụ nữ có xu hướng để ý kỹ hơn tới các chi tiết, và hòa nhã hơn khi quản lý nhân sự. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể nói ngày càng có nhiều nữ doanh nhân thành đạt xuất hiện ở tỉnh Chiết Giang”, ông Zhou, nhà nghiên cứu lĩnh vực kinh doanh tư nhân hàng thập niên chia sẻ.
Song bà Lu thừa nhận vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nam và nữ, cũng như chuyện phân biệt giới tính còn phổ biến.
“Thực tế số lượng nam giới vẫn nhiều hơn nữ giới trong thế giới kinh doanh. Nhiều khó khăn vẫn cản đường phụ nữ tham gia thị trường kinh doanh. Một số nhà đầu tư có lối suy nghĩ không rót tiền vào các doanh nghiệp mà phụ nữ làm quản lý, bởi họ nghĩ phụ nữ thường hành động theo cảm tính, thiếu lý trí và thiếu tư duy chiến lược. Ngoài ra, một số giám đốc bộ phận cũng từ chối làm việc với nữ lãnh đạo doanh nghiệp vì họ cảm thấy xấu hổ khi phải làm việc dưới trướng phụ nữ, hoặc họ suy nghĩ nữ lãnh đạo không có quan điểm dứt khoát”, bà Lu cho hay.
Trung Quốc: Mất việc ngoài 35 tuổi là chỉ có thất nghiệp
Nhiều lao động ngoài 35 tuổi ở Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn khi đi xin công việc mới do trở ngại về tuổi tác.
Minh Thu (lược dịch)