Vaccine Covid-19 nào đã được thử nghiệm giai đoạn cuối?
Hơn sáu tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán (Trung Quốc), WHO cho biết có 166 loại vaccine đang được phát triển để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Ngày càng nhiều nước châu Âu lo sợ làn sóng Covid-19 thứ hai
Nhiều nước châu Âu ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 trong dân chúng và buộc phải tìm sự cân bằng giữa mở cửa nền kinh tế và áp đặt các hạn chế mới trong bối cảnh lo ngại về đợt đại dịch thứ hai.
Hầu hết các vaccine đang trong giai đoạn tiền lâm sàng, có nghĩa là vẫn đang được thử nghiệm trên động vật hoặc trong phòng thí nghiệm, nhưng một số ít trong số đó đã đạt được thử nghiệm trên người ở các giai đoạn khác nhau. WHO cho biết có 25 loại vaccine tiềm năng trong các thử nghiệm lâm sàng trên phạm vi quốc tế.
Vaccine Covid-19 triển vọng nhất của Mỹ thử nghiệm giai đoạn cuối. (Ảnh: RIA) |
Vaccine Covid-19 triển vọng nhất của Mỹ thử nghiệm giai đoạn cuối
RIA đưa tin, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine ngừa Covid-19. Đây là cuộc thử nghiệm vaccine quy mô lớn nhất thế giới hiện tại với 30.000 tình nguyện viên tham gia.
Tình nguyện viên được tiêm vaccine có tên mã mRNA-1273. Trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn trước, vaccine của Moderna đã chứng minh được độ an toàn cũng như một số phản ứng miễn dịch mà nó kích hoạt được trong cơ thể tình nguyện viên. Đây cũng là bước cuối cùng trước khi sản phẩm được cấp phép bởi các cơ quan quản lý toàn cầu.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III là giai đoạn quyết định chứng minh vaccine có bảo vệ được người tiêm hay không. Nếu sau thời gian theo dõi, họ không bị nhiễm bệnh hoặc có tỷ lệ nhiễm Covid-19 thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng, vaccine sẽ được chứng minh là thành công.
Giám đốc điều hành của Moderna Stéphane Belon cho biết, theo ước tính của riêng ông, vaccine mRNA-1273 có 75% cơ hội đáp ứng yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Có 50% nó sẽ bảo vệ được mọi người trước virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Mỹ hiện cấp gần 1 tỉ USD hỗ trợ dự án vaccine của Moderna. Có hơn 150 chương trình thử nghiệm vaccine ở nhiều giai đoạn trên toàn thế giới, nhưng Moderna đang dẫn đầu đường đua. Kết quả vẫn còn bỏ ngỏ nhưng Moderna nói có thể cung cấp từ 500 triệu đến 1 tỉ liều vaccine Covid-19 mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021.
Vaccine của Moderna là vaccine thế hệ mới sử dụng vật liệu di truyền, dưới dạng RNA để mã hóa các thông tin cần thiết nhằm phát triển các protein sợi của virus bên trong cơ thể, để kích thích phản ứng miễn dịch. Ưu điểm của Công nghệ này là bỏ qua sự cần thiết phải sản xuất protein của virus trong phòng thí nghiệm, do đó có thể nhanh chóng sản xuất hàng loạt.
Đại học Oxford công bố kết quả khả quan
Mới đây, trên Tạp chí Khoa học The Lancet, kết quả mới nhất của thử nghiệm về vaccine ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) của Đại học Oxford, được công bố cho thấy vaccine không gây ra các lo ngại ban đầu về sự an toàn, đồng thời tạo được ra phản ứng miễn dịch mạnh ở cả hai hướng của hệ thống miễn dịch.
Dữ liệu của giai đoạn thử nghiệm I/II cho vaccine ngừa virus corona chủng mới của Đại học Oxford cho thấy vaccine không dẫn đến bất kỳ phản ứng bất ngờ nào và có độ an toàn tương tự các loại vaccine trước đây thuộc loại này.
Các phản ứng miễn dịch quan sát được sau khi tiêm vaccine phù hợp với kết quả nghiên cứu trên động vật trước đây về khả năng chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục chương trình thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để xác nhận điều này ở người. Các thử nghiệm ở giai đoạn III đã bắt đầu ở Brazil và sẽ tuyển tới 5.000 tình nguyện viên.
Đại học Oxford đang hợp tác với công ty dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca có trụ sở tại Anh để phát triển, sản xuất ở quy mô lớn và phân phối vaccine chống Covid-19 khi hoàn thiện trên quy mô toàn cầu. Dự án đã được tiếp sức với 84 triệu bảng nguồn tài trợ của Chính phủ Anh để đẩy mạnh quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine.
Bên cạnh đó, hôm 21/7, Brazil đã tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với vaccine phòng Covid-19 do Tập đoàn Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Vaccine Covid-19, được phát triển bởi công ty dược phẩm tư nhân Trung Quốc Sinovac Biotech, đã trở thành loại vaccine thứ ba trên thế giới bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô lớn ở người.
Thống đốc Sao Paulo Joao Doria cho biết, khoảng 9.000 nhân viên y tế tại 6 bang của Brazil sẽ tham gia vào quá trình thử nghiệm này. Họ sẽ được tiêm 2 liều vaccine CoronaVac trong 3 tháng tới. Kết quả ban đầu dự kiến sẽ có trong vòng 90 ngày.
Được biết, Sinovac Biotech đang hợp tác với Viện Butantan, một trung tâm nghiên cứu y tế công cộng của Brazil, để thực hiện các thử nghiệm vaccine Covid-19. Giới chức Brazil cho biết, nếu vaccine CoronaVac chứng minh được tính an toàn và hiệu quả, Brazil có quyền sản xuất 120 triệu liều vaccine theo thỏa thuận đạt được với Trung Quốc.
Cơ quan giám sát bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga thông báo, từ ngày 27/7, nước này bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên người loại vaccine thứ hai có tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Vaccine này do Viện Công nghệ sinh học quốc gia Vector ở vùng Siberia sản xuất.
Trước đó, trong tháng này, Nga đã hoàn tất giai đoạn đầu thử nghiệm trên người một loại vaccine khác, do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya tại Moscow bào chế. Các nhà khoa học đã hoan nghênh kết quả thử nghiệm. Nhà chức trách Nga có kế hoạch chuyển sang giai đoạn sản xuất đại trà vaccine này vào mùa Thu tới.
Thanh Bình (lược dịch)