Tương lai nào cho Afghanistan khi cuộc đua ‘lấp chỗ trống’ được khởi động?
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhiều nước đã “rục rịch” can dự vào nước này, làm Kabul đối mặt với những nguy cơ ngày càng nghiêm trọng.
Gần đây, sau khi Mỹ tuyên bố rút quân sớm khỏi Afghanistan, tình hình Afghanistan đã có những thay đổi lớn, Taliban và chính phủ Afghanistan vừa đàm phán vừa tấn công lẫn nhau, trong khi đó các lực lượng nước ngoài đã đẩy nhanh tốc độ can thiệp làm rối loạn tình hình. Trong tương lai, khi cuộc đấu tranh giữa tất cả các bên tiếp tục gia tăng, triển vọng về tình hình Afghanistan là đáng lo ngại.
Mỹ rút khỏi Afghanistan đã để lại khoảng trống quyền lực ở nước này. Nguồn: people.com.cn. |
Nổi loạn bên trong
Sau khi Mỹ tuyên bố rút quân sớm, chính phủ Afghanistan và Taliban vừa đàm phán vừa đối đầu với nhau, và tình hình trong nước rơi vào tình trạng hỗn loạn liên tục.
Một mặt, hai bên duy trì xung đột cường độ tương đối cao. Một quan chức cấp cao của chính phủ Afghanistan ngày 15/7 tuyên bố, lực lượng an ninh Afghanistan đã giành lại quyền kiểm soát một cảng quan trọng giáp biên giới với Pakistan ở phía nam nước này, nơi bị Taliban chiếm đóng trong thời gian ngắn.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Afghanistan đưa ra một tuyên bố vào ngày 17/7 cho biết, các lực lượng chính phủ đã mở các chiến dịch chống lại Taliban ở các tỉnh Nangarhar, Ghazni, Balkh, Samangan và Kabul, đã làm thương vong 489 tay súng Taliban và thu giữ một loạt thiết bị nổ của lực lượng này.
Mặt khác, các cuộc đàm phán giữa hai bên tiến triển một cách khó khăn. Chủ tịch Hội đồng Hòa giải dân tộc cấp cao Afghanistan Abdullah Abdullah và ông Mullah Abdul Ghani Baradar – Phó Chánh văn phòng kiêm nhà đàm phán của Taliban đã tổ chức vòng đàm phán hòa bình mới tại thủ đô Doha của Qatar.
Được biết, trong quá trình đàm phán, Chính phủ Afghanistan và Taliban đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một ủy ban gồm 14 thành viên gồm đại diện của cả hai bên. Trách nhiệm của ủy ban là xác định chương trình đàm phán, bao gồm ngừng bắn và thả tù nhân chiến tranh.
Cuộc đua “lấp chỗ trống” ở Afghanistan đã được khởi động sau khi Mỹ rút quân. Nguồn: people.com.cn. |
Các bên tăng tốc nhập cuộc
Theo báo cáo của truyền thông, sau khi Mỹ vội vã rút quân khỏi Afghanistan, nhiều nước bắt đầu tăng cường can thiệp vào các vấn đề của Afghanistan.
Tại Hội nghị Quốc tế cấp cao "Trung và Nam Á: Thách thức và cơ hội kết nối khu vực" ở Uzbekistan ngày 16/7, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố, tình hình xấu đi nhanh chóng ở Afghanistan là do NATO và Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mới đây đã cảnh báo, Mỹ không nên triển khai quân đội ở các nước Trung Á từng là quốc gia thuộc Liên Xô cũ sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Moscow và các nước Trung Á sẽ tổ chức một loạt cuộc tập trận chung gần biên giới với Afghanistan trong thời gian tới.
Chuyên gia quân sự Nga Vladislav Shurekin nhận xét: "Tình hình hiện nay ở Afghanistan đang dần mất kiểm soát và mối đe dọa trong khu vực là vô cùng cấp bách. Bất chấp việc thiết lập quan hệ với Taliban, chúng ta nên chuẩn bị đầy đủ các thể chế quân sự bao gồm SCO để đối phó với mọi mối đe dọa từ hướng này".
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố, ông đã đạt được thỏa thuận với Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp quản và đóng quân tại sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan sau khi lực lượng Mỹ rút lui.
Về vấn đề này, chính phủ Afghanistan bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch tiếp quản sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ, tin rằng sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đẩy lùi Taliban. Trong khi đó, lực lượng Taliban tuyên bố, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân đúng hạn, họ sẽ coi Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ chiếm đóng”.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản sân bay Kabul là bước đầu tiên trong quá trình can thiệp vào Afghanistan. Trong tương lai, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng điều này để kiểm soát cửa ngõ ra vào Afghanistan, nó có thể gây ảnh hưởng nhất định đến tình hình Afghanistan.
Theo báo chí Afghanistan, gần đây, Ấn Độ đã vận chuyển hàng chục tấn vũ khí và đạn dược tới Afghanistan bằng máy bay vận tải. Ấn Độ tuyên bố rằng điều này là để đáp lại lời kêu gọi của chính phủ Afghanistan nhằm giúp các lực lượng chính phủ Afghanistan đánh bại Taliban.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với "Daily Telegraph" vào ngày 13/7 rằng, nếu Taliban tiếp quản Afghanistan, Anh sẽ hợp tác với lực lượng này. “Bất kể đảng nào nắm quyền, miễn là đảng đó tuân thủ các quy tắc quốc tế nhất định, chính phủ Anh sẽ liên hệ với đảng đó”, ông Wallace cho biết trong một tuyên bố.
Ông Wallace cũng cho biết thêm: “Taliban khẩn cấp cần được quốc tế công nhận. Họ cần tiền để đầu tư trong công cuộc xây dựng đất nước. Nếu đã bị định vị là khủng bố, Taliban sẽ không thể đạt được mục tiêu này".
Một tương lai càng mờ mịt đang chờ đón Afghanistan? Nguồn: people.com.cn. |
Triển vọng mờ mịt
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm chiến tranh bùng nổ ở Afghanistan, cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử của Mỹ không chỉ mang lại cho Mỹ những thiệt hại khổng lồ về tài chính và con người, mà còn mang đến những thảm họa nghiêm trọng cho người dân Afghanistan.
Nhìn chung, tình hình Afghanistan thời gian gần đây tiếp tục căng thẳng, và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài ngày càng gia tăng, thủ phạm chính là chính sách của Mỹ ở Afghanistan. Sau khi Mỹ trở thành kẻ "ra tay", tình hình an ninh ở Afghanistan đã phải đối mặt với nhiều biến động hơn và triển vọng hòa bình ngày càng trở nên mong manh.
Tình hình chính trị sẽ tiếp tục rối ren. Một số nhà phân tích cho rằng do mất đi sự hỗ trợ đắc lực từ quân đội Mỹ, Quân đội chính phủ Afghanistan sẽ khó có thể chống trả hiệu quả cuộc tấn công ác liệt của Taliban trong tương lai, và các nhân tố không ổn định trong tình hình chính trị ở Afghanistan sẽ gia tăng mạnh.
Chủ nghĩa khủng bố có thể "sống lại". Tờ Wall Street Journal bình luận rằng, việc Mỹ rút quân một cách vô trách nhiệm đã khiến tình hình an ninh ở Afghanistan xấu đi, và có thể khiến quốc gia này trở thành điểm nóng của khủng bố một lần nữa. Tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" và những tổ chức khác có thể một lần nữa sử dụng đất nước này như một thành trì, đây là một thảm họa lớn đối với Afghanistan và các nước láng giềng.
Các lực lượng bên ngoài có thể "tụ tập". Việc Mỹ rút quân đã để lại một "khoảng trống quyền lực" lớn ở Trung Á. Trong bước tiếp theo, các lực lượng nước ngoài như Nga, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các nước láng giềng gần gũi như Ấn Độ, hay Trung Quốc có thể tăng cường can dự hơn nữa.
Đồng thời, chính phủ Biden sẽ không ngồi nhìn Trung Á rơi vào tay người khác, trong tương lai có thể sẽ áp dụng các biện pháp mới để thể hiện sức mạnh ở các khu vực xung quanh Afghanistan.
Sau khi Mỹ rút quân, Afghanistan trở thành ‘cơn đau đầu’ với Nga
Trong bối cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, các cuộc đụng độ ở biên giới với Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan đã trở nên thường xuyên hơn.
Đức Trí (lược dịch)