NATO đang lo ngại điều gì ở Trung Quốc?
Tổng thư ký NATO lo ngại về sự xuất hiện của hàng loạt silo tên lửa mới mà Trung Quốc cho xây dựng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ mối quan ngại về hoạt động xây dựng các silo (hầm chứa) tên lửa mới mà Trung Quốc đang tiến hành. Theo ông Stoltenberg, động thái của Trung Quốc là nhằm tăng cường năng lực hạt nhân quốc gia.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lo ngại về hoạt động xây dựng các silo tên lửa mới của Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
Phát biểu tại cuộc họp của NATO về vấn đề kiểm soát vũ khí ở Copenhagen hôm 6/9, ông Stoltenberg nhấn mạnh Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho hạt nhân với số lượng đầu đạn tăng theo, cùng hệ thống triển khai hiện đại hơn mà không chịu bất cứ giới hạn nào.
“Là một cường quốc trên thế giới, Trung Quốc có trách nhiệm với toàn cầu về kiểm soát vũ khí’, DPA dẫn lời ông Stoltenberg nhắn nhủ tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, do Bắc Kinh vẫn từ chối tham gia vào các vòng đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Cũng theo ông Stoltenberg, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ những quy định giới hạn đa phương, minh bạch hơn và đáng tin cậy hơn.
Trước đó, hồi cuối tháng Bảy, Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố bản nghiên cứu mới. Thông qua các bức ảnh vệ tinh, FAS cho biết hoạt động xây dựng các silo tên lửa hạt nhân đang diễn ra tại một khu vực rộng lớn gần thành phố Hani ở vùng tây bắc khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Tờ Washington Post tiết lộ thêm, một kho chứa tên lửa hoặc cơ sở phóng tên lửa mới cũng đã xuất hiện gần thành phố Ngọc Môn thuộc tỉnh Cam Túc của Trung Quốc.
Các chuyên gia FSA ước tính, tổng cộng có hơn 200 silo tên lửa mới được Trung Quốc xây dựng. Con số này nhiều hơn số lượng silo của Nga và bằng một nửa của Mỹ để phục vụ hoạt động của các tên lửa liên lục địa.
Cũng theo FSA, Trung Quốc có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, đối với kho vũ khí của Nga và Mỹ, mỗi nước có 4.000 đầu đạn.
Kho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được đánh giá đã đa dạng, phong phú hơn so với trước đây và mức độ sẵn sàng chiến đấu cũng cao hơn nhiều bao gồm cả tên lửa hạt nhân. Các vũ khí này được Trung Quốc sử dụng để kiểm soát và leo thang căng thẳng trong khu vực, đồng thời đảm bảo khả năng tấn công thứ cấp của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Đặc biệt, kể từ khi ông Donal Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí dù là song phương hay ba bên.
Theo báo cáo mới nhất của Chiến dịch Quốc tế Hủy bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN) công bố hôm 7/6, Trung Quốc chi khoảng 10 tỉ USD để phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2020. Trung Quốc chỉ đứng thứ 2 sau 37,4 tỉ USD của Mỹ dùng để phát triển vũ khí hạt nhân. Nga xếp thứ 3 khi chi 8 tỉ USD.
Trung Quốc cho đánh sập cùng lúc 15 tòa nhà cao tầng vì ‘xây mãi không xong’
Dù đã thi công được 7 năm nhưng tới nay chưa hoàn thành, Trung Quốc đã cho phá hủy cùng lúc 15 tòa nhà cao tầng.
Minh Thu (lược dịch)