Thụy Điển sẽ không gia nhập NATO cho đến khi Nga ‘động binh’?
Chuyên gia Justyna Gotkowska thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông cho rằng Thụy Điển sẵn sàng sát cánh cùng NATO với tư cách là một đồng minh chỉ khi có mối đe dọa từ Nga.
Mới đây, chiến lược an ninh của Thụy Điển cho giai đoạn 2021-2025 đề cập đến sự cần thiết phải phối hợp các kế hoạch quốc phòng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, chuyên gia Justyna Gotkowska thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông cho rằng: “Mặc dù việc này trên thực tế có nghĩa là Thụy Điển đang tiến gần tới tư cách là thành viên của NATO, nhưng nước này không cần”.
Thụy Điển sẽ không gia nhập NATO cho đến khi Nga ‘động binh’. (Ảnh: Reuters) |
Trong những năm gần đây, Thụy Điển đã trở nên rất thân thiết với NATO và sự hợp tác giữa các bên hiện đang trên đà phát triển. Chuyên gia Gotkowska cho biết đây chắc chắn là công lao của chính phủ Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh.
Bà Gotkowska lưu ý, thực tế là sự hợp tác này không làm thay đổi quan điểm của liên minh cầm quyền trong đơn chính thức xin gia nhập NATO. Cả Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Xanh đều phản đối tư cách thành viên NATO kể từ khi họ bắt đầu cầm quyền vào năm 2014. Nguyên nhân có thể được giải thích là do truyền thống “trung lập” đã bén rễ trong xã hội Thụy Điển.
Theo một cuộc thăm dò năm 2019, chỉ hơn 30% người Thụy Điển vẫn phản đối việc trở thành thành viên NATO và chỉ dưới 30% ủng hộ. Ngoài ra, có 38% không đưa ra ý kiến về vấn đề này. “Với các thông số như vậy, không thể bắt đầu một cuộc thảo luận chính trị nghiêm túc về việc gia nhập NATO. Hơn nữa, hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy quan điểm của chính phủ Thụy Điển thay đổi về vấn đề này”, bà Gotkowska nhấn mạnh.
“Cá nhân tôi không thấy có khả năng Thụy Điển gia nhập NATO trong những năm tới, trừ khi Nga bắt đầu một cuộc chiến mới trong khu vực”, bà Gotkowska giải thích. Bà Gotkowska chú ý đến thực tế là ở Thụy Điển các quyết định chiến lược như vậy được đưa ra trên cơ sở đồng thuận quốc gia.
“Việc tái hợp tác này sẽ chỉ tiếp tục, bởi vì chiến lược an ninh của Thụy Điển cho giai đoạn 2021-2025 nói lên sự cần thiết phải phối hợp các kế hoạch quốc phòng với các nước láng giềng và với NATO. Việc này trên thực tế có nghĩa là Thụy Điển đang hướng tới tư cách thành viên NATO. Về mặt hình thức, nó sẽ không có nghĩa vụ phải áp dụng Điều 5 trong Đạo luật của NATO, nhưng trên thực tế, trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực Biển Bắc và Biển Baltic, Thụy Điển sẽ kề vai sát cánh cùng NATO”, Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông cho biết.
Trước đó, trong phiên họp mới đây, Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu thông qua đề xuất Thụy Điển có thể xem xét gia nhập NATO trong tương lai. Cùng với việc thông qua khoản ngân sách quốc phòng lớn nhất trong 70 năm, đây là bước chuyển chiến lược của Thụy Điển sau nhiều năm duy trì chính sách trung lập và không liên kết. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultvuist đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân quan trọng nhất đằng sau những thay đổi này là hành động của Nga ở khu vực Baltic.
Trong vài năm qua, Thụy Điển từng nhiều lần chỉ trích tàu chiến và máy bay chiến đấu Nga xâm phạm vùng biển và không phận nước này. Đồng thời, việc Nga gia tăng nhân lực và đề ra chiến lược tham vọng liên quan đến Bắc Cực và Bắc Băng Dương cũng tạo nên sự lo ngại rất lớn đối với Thụy Điển. Giới chính trị gia cầm quyền ở Thụy Điển nhận định rằng Nga hiện nay có xu hướng sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được các mục đích chính trị, điển hình như cuộc khủng hoảng ở Crimea.
Thụy Điển đặc biệt lo ngại việc hòn đảo Gotland của nước này trên biển Baltic, vốn là một vị trí chiến lược trong thời Chiến tranh Lạnh, có thể bị đánh chiếm một khi xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga với các nước phương Tây. Về tổng thể, mặc dù không phải là thành viên của NATO nhưng Thụy Điển vẫn coi mình là một thành phần trong cấu trúc an ninh của châu Âu và đang bị đe dọa bởi Nga sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.
Năm khó khăn đang chờ các nước láng giềng phía đông Warsaw?
Nhà báo Ba Lan Michal Pototsky nhận định, không chỉ những thách thức liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 mà còn cả những cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ đang chờ đợi Nga và các nước láng giềng vào năm tới.
Thanh Bình (lược dịch)