Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ‘liên minh’ với Nga và Iran để chống lệnh trừng phạt của Mỹ?
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang thúc đẩy Ankara lại gần với Moscow và Tehran để lập “liên minh” chống Mỹ.
Thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng leo thang căng thẳng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp tất cả để mua S-400 của Nga, thậm chí là chấp nhận từ bỏ siêu máy bay F-35 của Mỹ.
Chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 12/2020 đã chính thức công bố các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ với lý do phía Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự can ngăn để mua hệ thống phòng không S-400 quy mô lớn từ Nga.
S-400 của Nga đã làm Washington và Ankara quay lưng lại với nhau. Nguồn: people.com.cn |
Về vấn đề này, phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ là không phù hợp với quan hệ đồng minh của hai nước lâu nay và là một cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ đáp trả bằng các biện pháp cần thiết.
Theo hãng tin AP, Các lệnh trừng phạt do Mỹ áp lên Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/12 theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Các lệnh này cũng đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của Mỹ năm tài chính 2021.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố cho biết, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ theo " CAATSA. Theo Reuters, vẫn chưa chắc chắn liệu các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng đến các bên thứ ba có giao dịch quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không gây hại cho ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, và những lời đe dọa đó sẽ chỉ thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh việc thành lập một "ngành công nghiệp quốc phòng độc lập".
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét rằng quan hệ giữa Ankara và Washington hiện đang ở giai đoạn nhạy cảm và việc chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ là một sai lầm nghiêm trọng.
Việc Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây ra chỉ trích từ Nga, Iran và các nước khác. Báo cáo của hãng thông tấn Sputnik/Nga cho biết, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ thực chất không nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, mà là nhằm vào Nga.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nêu rõ, lệnh trừng phạt này một lần nữa cho thấy thái độ “ngạo mạn” của Mỹ đối với luật pháp quốc tế và là biện pháp cưỡng chế đơn phương bất hợp pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cho rằng, động thái của Mỹ phản ánh việc Washington không thể cạnh tranh theo đúng quy tắc và buộc phải sử dụng các biện pháp bổ sung để đảm bảo lợi thế cạnh tranh của chính mình.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “liên minh” với Nga và Iran để chống lại Mỹ? Nguồn: people.com.cn |
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Zarif cũng lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng, Iran sẽ đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ để cùng phản ứng trước áp lực từ Mỹ. Tổng thư ký NATO Stoltenberg gần đây tuyên bố rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm các thiết bị do Nga sản xuất là một "quyết định hợp pháp", ông lấy làm tiếc về các biện pháp trừng phạt của Mỹ và hy vọng rằng hai bên có thể giải quyết tranh chấp một cách ổn thỏa.
Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Nga để chi 2,5 tỉ USD mua 4 hệ thống phòng không S-400. Mỹ và các nước NATO khác đã nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua hệ thống này, vì tin rằng hệ thống này không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO và có thể giúp Nga xác định vị trí và theo dõi máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và đồng minh trong tương lai.
Nga bắt đầu chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019, gây ra khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Thổ. Tháng 10/2020, Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng."
Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ từng có mâu thuẫn về các vấn đề như Syria và khu vực phía Đông của Địa Trung Hải. Khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11/2020, ông đã không gặp các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng nhiệm kỳ của Chính phủ Mỹ hiện tại sắp kết thúc và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này có thể gây rắc rối cho chính phủ mới trong việc xử lý quan hệ giữa hai nước.
Ngoài ra, động thái của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, thậm chí sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về phía Nga.
Chi tiêu quân sự liên tục phá kỷ lục, Nhật Bản muốn gì?
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lần thứ 9 tăng liên tiếp và phá kỷ lục với số tiền lên tới hơn 51 tỉ USD.
Đức Trí (lược dịch)