Tham vọng lớn thể hiện qua cuộc tập trận dài 1 tháng của hải quân Trung Quốc
Cuộc tập trận dài 1 tháng của hải quân Trung Quốc trên Thái Bình Dương cho thấy tham vọng lớn muốn tăng cường năng lực hoạt động và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Một đơn vị của hải quân Trung Quốc đã hoàn thành đợt huấn luyện kéo dài 1 tháng trên Thái Bình Dương. Cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc được cho nhằm tăng cường năng lực hoạt động ngoài phạm vi vùng biển của các nước láng giềng.
Trong thông báo hôm 5/6, Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc tuyên bố một hạm đội thuộc Chiến khu này đã di chuyển hơn 12.400 km trong tháng Năm, đi qua biển Celebes, nơi phân tách Indonesia và Philippines và tới Tây Thái Bình Dương.
Tàu chiến Trung Quốc tiến hành tập trận phòng không và chống tên lửa. (Ảnh: QQ.com) |
Chiến khu Nam Bộ không nhắc tới thông tin chi tiết về số lượng tàu chiến tham gia tập trận trong hạm đội. Tuy nhiên, hạm đội này được biết đã thực hiện hơn 20 cuộc diễn tập bao gồm chống tên lửa và phòng không.
“Tình hình quân sự phức tạp hiện nay đặt ra thách thức cực lớn đối với ý chí và sự kiên nhẫn của các sĩ quan và binh sĩ. Việc sử dụng vũ khí trên các vùng biển xa không chỉ giúp đánh giá năng lực hoạt động của thiết bị, mà còn thử nghiệm khả năng chỉ huy và phối hợp giữa các sĩ quan và binh sĩ”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố từ Chiến khu Nam Bộ.
Trong những năm gần đây, hải quân Trung Quốc liên tục mở rộng phạm vi hoạt động. Hồi năm ngoái, một hạm đội thuộc Chiến khu Nam Bộ cũng đã hoàn thành đợt tập trận kéo dài 41 ngày trên Thái Bình Dương và di chuyển trên quãng đường dài 25.928 km, đồng thời thực hiện các sứ mệnh cứu hộ và chiến đấu trên biển.
Ông Song Zhongping, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, nhận định biển Celebes là cửa ngõ để tiến vào Tây Thái Bình Dương, khu vực có đảo Guam của Mỹ.
“Đối với Trung Quốc để phát triển năng lực chiến đấu viễn chinh, quân đội Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đi huấn luyện ở nhiều khu vực khác, chứ không chỉ giới hạn ở vùng biển của các nước láng giềng. Càng có thêm các cuộc tập trận viễn chinh đồng nghĩa với việc hải quân Trung Quốc có thể mở rộng năng lực hoạt động ở những vùng biển xa”, ông Song chia sẻ.
Cũng theo ông Song, “Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một đội quân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Và để luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, Trung Quốc cần phải tăng cường năng lực hải quân và hậu cần phương xa. Đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc không chỉ còn có Mỹ”.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông trong vài năm gần đây.
Cụ thể, hồi tháng Năm, Trung Quốc đã đưa 3 trong số các tàu chiến hiện đại nhất bao gồm tàu tấn công đổ bộ Type 075 tới căn cứ hải quân có quy mô lớn nhất trên đảo Hải Nam.
Ngoài ra, hôm 24/5, hải quân Trung Quốc thông báo lực lượng này mới tiến hành đợt tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông. Theo đó, dàn chiến đấu cơ của hải quân Trung Quốc đã cho thả hàng ngàn quả đạn xuống các mục tiêu trên mặt biển. Mục đích của đợt tập trận là nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và tấn công chính xác cho các phi công, theo tuyên bố từ hải quân Trung Quốc.
Cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra chỉ sau vài ngày, Chiến khu Nam Bộ thông báo tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke là USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã di chuyển gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông. Chiến khu Nam Bộ đã điều động các máy bay và tàu chiến đi theo dõi hoạt động của khu trục hạm USS Curtis Wilbur.
Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ nhấn mạnh tàu khu trục USS Curtis Wilbur đã “thực hiện quyền và tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa.
Mới đây, Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Bắc Kinh cho biết trong tháng Năm, Mỹ đã tiến hành 72 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông.
Trong tháng Tư, con số này là 65 chuyến. Số chuyến bay trinh sát qua Biển Đông trong tháng 5/2021 đã “tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái”, khi Mỹ thực hiện 35 chuyến bay vào tháng 5/2020.
Tổng thống Nga Putin nói gì về tranh chấp biên giới Trung - Ấn?
Ông Putin nhận định, không nên có thêm quốc gia nằm ngoài khu vực can thiệp vào tranh chấp biên giới Trung - Ấn.
Minh Thu (lược dịch)