Tàu sân bay Mỹ tiếp tục phô sức mạnh ở cửa ngõ Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải Mỹ tiếp tục "phô sức mạnh" ở cửa ngõ Biển Đông khi tham gia diễn tập với hải quân Nhật Bản và Australia.
Hôm 21/7, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thông báo đang tiến hành cuộc tập trận chung với hải quân Hoàng gia Australia và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ ngay tại cửa ngõ Biển Đông.
Cuộc tập trận của hải quân Nhật Bản – Australia – Mỹ diễn ra từ ngày 19/7 và kết thúc vào ngày 23/7 được xem là cơ hội để ba nước nhấn mạnh cam kết trong “Chiến lược tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz diễn tập ở Biển Đông. (Ảnh: AP) |
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan có sự tham gia của tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin. Trong khi đó, chiến hạm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia tập trận chung là tàu khu trục JS Teruzuki thuộc lớp Akizuki. Phía hải quân Hoàng gia Australia đã điều động các tàu HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius tham gia cuộc diễn tập trên biển Philippines.
“Tôi tin rằng, việc tăng cường mối quan hệ với hải quân Mỹ và hải quân Hoàng gia Australia là vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản, đồng thời đóng góp vào sự tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Những kinh nghiệm từ cuộc tập trận sẽ giúp chúng tôi nắm ưu thế hoạt động và chiến thuật, cũng như giúp quan hệ hữu nghị trở nên thân thiết hơn”, Japan Times dẫn lời Đô đốc Yusuke Sakano, Chỉ huy Sư đoàn Hộ tống số 4 thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Trong khi đó, Tướng Michael Harris của hải quân Hoàng gia Australia nhấn mạnh, “cơ hội hợp tác chung với Mỹ và Nhật Bản là vô cùng đáng quý. Việc cùng thực hiện sứ mệnh chung giữa hải quân ba nước thể hiện mức độ cao của sự phối hợp và năng lực của các bên”.
Cuộc tập trận chung của hải quân Nhật Bản – Australia – Mỹ được tiến hành sau khi Bộ trưởng Quốc phòng ba nước ra tuyên bố chung chỉ trích những hành động ngang ngược trên biển của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Cụ thể, hồi đầu tháng Bảy, trong một cuộc họp trực tuyến ba bên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – Australia – Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc sử dụng vũ lực hoặc ép buộc “để thay đổi hiện trạng" ở Biển Đông và biển Hoa Đông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trên hai vùng biển này.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Phản ứng trước hành động bành trướng của Trung Quốc, quân đội Mỹ đã cho tăng cường tiến hành tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Một số cuộc tập trận của Mỹ ở Biển Đông còn có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Theo Mỹ, Trung Quốc đã đơn phương có hành động bành trướng chủ quyền và quân sự hóa trái phép ở Biển Đông thông qua việc xây dựng các đường băng cấp độ quân sự cũng như triển khai vũ khí ra các đảo nhân tạo. Cũng theo Washington, những tiền đồn mà Bắc Kinh thiết lập ở Biển Đông là để giới hạn hoạt động đi lại tự do trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại gần 3 nghìn tỉ USD/năm.
Liên tiếp diễn tập với các đồng minh
Trong tuần này, hải quân Mỹ đang tiến hành song song hai cuộc tập trận trên vùng biển châu Á với các nước đồng minh là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Những cuộc tập trận này được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng quân sự Mỹ - Trung đang gia tăng. Ngoài ra, hôm 13/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lần đầu tiên công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, Trung Quốc đã đưa ra những cơ sở pháp lý không rõ ràng để minh chứng cho tham vọng ở Biển Đông và trong nhiều năm dùng chứng cứ này để bắt nạt các nước Đông Nam Á.
Đặc biệt, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã được hải quân Mỹ điều động tới Biển Đông để triển khai tập trận hai lần vào ngày 4/7 và 17/7.
Liên quan tới hoạt động tập trận lần thứ hai trong tháng Bảy của hai nhóm tác chiến tàu sân bay, hải quân Mỹ nhấn mạnh, “sự hiện diện của hai tàu sân bay ở Biển Đông không phải là phản ứng trước sự kiện chính trị hay sự kiện thế giới cụ thể nào mà là một phần trong chương trình tập trận thường xuyên và nhằm nâng cao khả năng phối hợp chiến thuật. Trong hơn 75 năm, hải quân Mỹ đã triển khai các sứ mệnh của nhóm tác chiến tàu sân bay trong khu vực”.
Sau đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã di chuyển tới khu vực Ấn Độ Dương để triển khai tập trận với hải quân Ấn Độ vào ngày 20/7.
Hải quân Mỹ nhấn mạnh, “trong quá trình cùng hoạt động, hải quân Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành các bài diễn tập đặc biệt nhằm tối ưu hóa chương trình huấn luyện và khả năng phối hợp bao gồm phòng không”.
Trong khi đó, quan hệ Trung - Ấn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, sau cuộc đụng độ trên dãy núi Himalaya hồi tháng Sáu khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sau sự việc, Ấn Độ đang tìm cách thắt chặt mối quan hệ an ninh với Mỹ và các đồng minh của Washington bao gồm Nhật Bản.
Nguồn tin từ Ấn Độ cho hay, cuộc tập trận chung của hải quân Mỹ và Ấn Độ diễn ra gần quần đảo Andaman và Nicobar, khu vực nằm ngoài khơi phía bắc eo biển Malacca. Eo biển Malacca hiện là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới đối với hoạt động thương mại và vận chuyển nhiên liệu. Quân đội Ấn Độ cũng có một căn cứ quân sự nằm trên quần đảo Andaman và Nicobar.
Về phần mình, hải quân Mỹ khẳng định nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz được điều động tới Ấn Độ Dương để hỗ trợ chiến lược tự do và mở cửa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc do thời tiết hay con người?
Tình trạng mưa lũ nghiêm trọng ở Trung Quốc hiện nay là sự kết hợp giữa thay đổi của thời tiết và hành vi con người.
Minh Thu (lược dịch)