Tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên xuất hiện ngoài khơi bán đảo Triều Tiên sau 5 năm
Sau 5 năm, một tàu sân bay Mỹ đã xuất hiện ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, giữa lúc Bình Nhưỡng liên tiếp cho phóng thử nghiệm tên lửa.
Một quan chức Mỹ cho hay nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của hải quân Mỹ đang hoạt động ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, truyền thông Hàn Quốc liên tục đưa tin các chiến hạm Mỹ đã được triển khai, giữa lúc căng thẳng gia tăng sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của hải quân Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Reuters cho hay theo quan chức Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang có mặt ở biển Nhật Bản để tiến hành tập trận với quân đội Nhật Bản nhằm củng cố cam kết với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Động thái này diễn ra sau khi giới chức Mỹ liên tục bày tỏ mối quan ngại về việc Triều Tiên có thể thực hiện thử vũ khí hạt nhân dưới lòng đất trong những ngày sắp tới.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ được điều động tới khu vực nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2017, 3 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, Theodore Roosevelt và Nimitz đã có mặt ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, sau khi Bình Nhưỡng cho tiến hành hàng loạt vụ thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Hãng tin Yonhap dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết thêm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln sẽ hoạt động trong khu vực từ 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, trả lời báo chí Hàn Quốc hôm 11/4, phát ngôn viên lực lượng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc cho hay sẽ không bình luận về kế hoạch hoạt động và diễn tập của tàu sân bay.
Trong chuyến thăm tới Washington vào tuần trước, các cố vấn của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tìm cách thuyết phục Mỹ tái triển khai nhiều loại vũ khí chiến lược như tàu sân bay, oanh tạc cơ hạt nhân và tàu ngầm tới bán đảo Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo cơ quan này biết được việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln đang hoạt động ở vùng biển quốc tế, nhưng không đưa ra bình luận thêm vì đây là khí tài của Mỹ.
Trước đây, Triều Tiên từng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự của Mỹ là hành động chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh, và làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.
Trong khi đó, bản báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hồi tuần trước nhấn mạnh các vụ thử nghiệm tên lửa gần đây của Triều Tiên dường như là nhằm phát triển năng lực để vượt qua hàng loạt hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đã triển khai ở khu vực. CRS nhận định năng lực thực sự của các loại tên lửa mà Triều Tiên sở hữu vẫn là điều chưa chắc chắn.
“Những tiến bộ gần đây trong chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dường như nhắm tới phát triển năng lực phá hủy hoặc làm giảm mức độ hiệu quả của năng lực phòng thủ tên lửa được triển khai ở khu vực gồm Patriot, Aegis BMD và THAAD”, CRS cho hay.
Cũng theo CRS, “sự tiến bộ của Triều Tiên trong hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là nỗ lực để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đặt trên mặt đất bằng cách triển khai các cuộc tấn công từ ngoài biển và vượt phạm vi theo dõi của radar THAAD, dù thực tế Aegis BMD vẫn có thể theo dõi đường bay của tên lửa Triều Tiên”.
Mỹ hiện đặt một tổ hợp THAAD ở Hàn Quốc, nhưng Tổng thống Yoon cho biết Seoul có thể cân nhắc để Washington triển khai thêm nhiều tổ hợp THAAD giữa lúc Triều Tiên liên tiếp có hành động khiêu khích.
Trong năm nay, Triều Tiên đã thực hiện 12 lần phóng thử tên lửa và riêng trong tháng Một là 7 vụ phóng. Thậm chí, Triều Tiên cũng đã cho phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sau hơn 4 năm dừng thử nghiệm các tên lửa tầm xa.
Cụ thể, Triều Tiên thông báo đã phóng thử thành công ICBM thế hệ mới nhất và cỡ lớn nhất mang tên Hwasong-17 vào ngày 24/3. Song giới chức Hàn Quốc lại khẳng định vụ phóng Hwasong-17 lần đầu tiên của Triều Tiên là vào ngày 16/3 và đã thất bại. Còn vào ngày 24/3, Triều Tiên cho phóng tên lửa phiên bản cũ hơn là Hwasong-15.
Báo cáo của CRS khẳng định các tên lửa thế hệ mới của Triều Tiên bao gồm Hwasong-15 và Hwasong-17 “có tính cơ động cao, chính xác và khó bị đánh chặn trong quá trình bay”.
Khó khăn chồng chất sau thời gian dài Triều Tiên phong tỏa biên giới
Triều Tiên gặp vô vàn khó khăn khi nối lại hoạt động thương mại quốc tế sau thời gian dài phong tỏa biên giới để phòng dịch.
Minh Thu (lược dịch)