Sợ Omicron, người giàu Ấn Độ chi tiền lớn ra nước ngoài tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19
Lo sợ biến chủng Omicron lây lan nhanh, người giàu Ấn Độ không ngại chi số tiền lớn ra nước ngoài tiêm mũi thứ 3 vắc xin Covid-19.
Chính phủ Ấn Độ hiện đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng về việc triển khai tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19, giữa lúc biến chủng Omicron gây lo sợ về một đợt dịch mới bùng phát.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong khi chính quyền New Delhi vẫn chưa yêu cầu người dân tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 và khẳng định cần có thêm các bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của việc tiêm mũi thứ 3, nhiều người giàu ở Ấn Độ đã có quyết định riêng là đưa gia đình ra nước ngoài như tới Dubai, Mỹ và Anh để tiêm.
Lo sợ biến chủng Omicron, nhà giàu Ấn Độ vung tiền ra nước ngoài tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19. (Ảnh: EPA) |
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron được cho có khả năng lây lan nhanh hơn rất nhiều so với các biến chủng trước của virus corona đang đặt gánh nặng lên cộng đồng nhà khoa học và y tế ở Ấn Độ, sau khi họ phản đối tiêm mũi thứ 3 vắc xin Covid-19.
Chuyện này càng phức tạp hơn khi mà chính phủ Ấn Độ vẫn đang vật lộn với chiến dịch tiêm phủ lần 1 vắc xin Covid-19. Bởi hiện tại, mới chỉ có 49% trong tổng dân số 1,4 tỷ người ở Ấn Độ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, hiện vẫn còn 8% nhân viên y tế, 30% người trên 60 tuổi và hơn 1/3 người trong độ tuổi từ 45 – 59 chưa tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Các nhà khoa học nghiên cứu di truyền là lực lượng đang tham gia kêu gọi chính phủ Ấn Độ cho triển khai tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19. Cụ thể, Insacog, mạng lưới các phòng nghiên cứu cấp quốc gia được chính phủ Ấn Độ thành lập để theo dõi bộ gene của các biến chủng virus corona, gần đây đã đưa ra thông báo trên bảng tin về việc cân nhắc tiêm mũi thứ 3 cho “những người từ 40 tuổi trở lên và ban đầu tập trung cho nhóm có nguy cơ cao nhất mắc Covid-19”.
Giữa lúc chính phủ Ấn Độ chưa có động thái rõ ràng về việc có nên tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 hay không, chính quyền tại một số bang ở nước này đã tự đưa ra phương án phòng bị để ngăn chặn biến chủng Omicron như đẩy nhanh tiêm phủ 2 mũi vắc xin bằng cách đi tới từng nhà để tiêm, đồng thời tăng cường năng lực hạ tầng cơ sở y tế tại khu vực.
Song trên thực tế, không ít bang ở Ấn Độ đang lơ là trong công tác phòng dịch do số ca mới mắc Covid-19 theo ngày đã giảm nhanh, sau làn sóng Covid-19 hồi mùa hè do biến chủng Delta cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người từ già tới trẻ.
Trong khi đó, những gia đình giàu có ở Ấn Độ đã mua vé để bay ra nước ngoài thực hiện mũi tiêm tăng cường. Nhiều người chọn Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một số đi xa hơn tới London hoặc tới Mỹ để tiêm mũi 3. Hoạt động đi lại ngày càng dễ dàng hơn nhờ vào việc xóa bỏ các quy định giới hạn ở cả Mỹ và Anh.
“Do chính phủ chưa đưa ra quyết định, sức khỏe của tôi đang bị đe dọa vì tôi chưa tới 60 tuổi và bố tôi cũng đã qua đời sau khi nhiễm biến thể Delta hồi tháng Năm. Trong khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng kháng thể sut giảm nhanh, sau khi tôi tiêm mũi thứ 2 vào tháng 3 – 4”, CEO của một tập đoàn đa quốc gia tại Bangalore chia sẻ ông đã cùng vợ và 3 con tới Dubai hồi tháng 10 để tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19.
Các chuyến bay ra nước ngoài của người giàu Ấn Độ vào thời điểm hiện tại để tiêm mũi thứ 3 vắc xin Covid-19 làm gợi nhớ lại hình ảnh hồi tháng Năm, thời điểm làn sóng Covid-19 thứ 2 tàn phá Ấn Độ. Nhiều gia đình giàu có đã không tiếc tiền thuê máy bay riêng để bay ra nước ngoài tránh dịch. Giữa lúc số giường bệnh, thuốc men, bình oxy điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thiếu trầm trọng, nhiều người có tiền ở Ấn Độ không ngại chi hàng triệu rupee để mua vé máy bay chạy sang châu Âu và UAE.
Tiến sĩ Kirit Parekh, bác sĩ tại Bệnh viện Fortis ở New Delhi, cho hay người dân hiện không cần hoảng sợ, bởi dường như những người trên 60 tuổi và người trẻ nhưng có hệ miễn dịch yếu mới cần tiêm mũi tăng cường.
Theo ông Parekh, tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 giống như một liều bổ sung sau khi các mũi tiêm đầu bị giảm hiệu quả theo thời gian.
“Thực tế, người dân nên tiêm mũi tăng cường sau khi hệ miễn dịch được gây dựng từ những mũi tiêm ban đầu bắt đầu suy giảm sau 8 – 10 tháng. Mũi tiêm tăng cường là nhằm duy trì mức độ miễn dịch lâu dài hơn. Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào cho thấy mũi tiêm tăng cường gây nguy hại, hay mức độ bảo vệ là bao nhiêu. Cho tới nay cũng chưa rõ biến chủng Omicron nguy hiểm tới mức nào và nhóm tuổi nào dễ bị tổn thương nhất trước biến chủng này”, ông Parekh nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo những người có hệ miễn dịch yếu nên đi tiêm mũi tăng cường. Hiện 36 quốc gia trên thế giới đang tiêm mũi thứ 3 bao gồm Israel, Anh, Mỹ, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, New Zealand, Hungary, Lithuania, Luxembourg, Thụy Điển, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italy và Chile.
Phát biểu trong cuộc họp Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya vẫn khẳng định, “quyết định liên quan tới mũi tiêm tăng cường vắc xin Covid-19 hoặc vắc xin cho trẻ em cần tuân thủ chặt chẽ theo các khuyến nghị của ủy ban chuyên gia chống dịch. Quyết định như này không thể vội vàng hoặc bị chính trị hóa. Quyết định cần dựa trên kiến thức khoa học. Do đó, mũi tiêm tăng cường chưa thể thi hành vì các nghiên cứu còn đang đánh giá nhu cầu cần thiết và giá trị của nó”.
Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ, ông Balram Bhargava phát biểu trên truyền hình rằng chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy mũi tiêm tăng cường sẽ bảo vệ những người đã tiêu đủ liều vắc xin Covid-19. Thay vào đó, ông Bhargava nhấn mạnh nên tăng cường tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi tiêu chuẩn vắc xin Covid-19, giữa lúc Ấn Độ đang chịu sức ép cung cấp vắc xin cho các nước láng giềng.
Thế giới có cần vắc xin Covid-19 mới để chống lại biến chủng Omicron?
Biến chủng Omicron được cho lây lan nhanh hơn cả Delta khiến các hãng sản xuất vắc xin Covid-19 tính tới chuyện nâng cấp vắc xin để phòng bệnh.
Minh Thu (lược dịch)