Sau Hàn Quốc, Triều Tiên chuẩn bị 'trút giận' xuống Mỹ
Giới chuyên gia cho rằng sau những hành động khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ còn "trút giận" xuống Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, việc Triều Tiên bất ngờ cho phá hủy văn phòng liên lạc chung Hàn – Triều hôm 16/6 dường như là bước đi đầu tiên trong loạt hành động khiêu khích nhằm tăng vị thế mặc cả với Washington và Seoul ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Cụ thể, nhận thấy rằng không thể được xóa bỏ lệnh trừng phạt như mong muốn trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, Triều Tiên sẽ tiếp tục đưa ra những lời đe dọa quân sự và phi quân sự. Cuộc bầu cử vào tháng 11 sẽ mở ra cơ hội để Tổng thống Donald Trump nắm giữ vị trí quyền lực thêm một nhiệm kỳ nữa hoặc sẽ là cơ hội để cựu phó Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Sau hành động khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc, Triều Tiên chuẩn bị “trút giận” xuống Mỹ. (Ảnh: KCNA) |
“Đây mới chỉ là màn dạo đầu. Từ bây giờ, căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng. Họ chắc chắn làm vậy. Sau những lời khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ chuyển sự chú ý sang Mỹ”, bà Sue Mi Terry, người phụ trách vấn đề Triều Tiên trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush và Barack Obama chia sẻ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Yonhap.
Trong khi Tổng thống Trump xem các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và hạt nhân là mối đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ, Triều Tiên lại có thể cho phóng các tên lửa đạn đạo tầm trung qua lãnh thổ Nhật Bản hoặc phóng một tên lửa từ tàu ngầm và tiếp tục cho xây dựng năng lực phòng thủ hạt nhân.
Trước đó, trong một tuyên bố vào tháng 12/2019, Chủ tịch Kim Jong-un cho hay Triều Tiên sẽ cho ra mắt một loại “vũ khí chiến lược mới”. Những sự kiện quan trọng sắp tới như lễ kỷ niệm 70 năm ngày bùng nổ chiến tranh liên Triều 25/6, Quốc khánh Mỹ 4/7 và 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên 10/10 có thể là những dấu mốc để Triều Tiên hiện thực hóa lời đe dọa.
“Triều Tiên giờ nhìn nhận mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim theo xu hướng ngày càng tiêu cực và cũng không tiến hành thêm hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo”, ông Bruce Klingner, cựu quan chức CIA nhấn mạnh thêm Triều Tiên hiện không có hứng thú với hoạt động ngoại giao.
“Hiện giờ, Triều Tiên quan tâm hơn về việc gia tăng căng thẳng để buộc Hàn Quốc phải nhượng bộ và Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt”, ông Klingner nói.
Những căng thẳng trong quan hệ liên Triều không có nghĩa là Triều Tiên từ bỏ chỉ trích Mỹ. Cụ thể, hồi tuần trước, Triều Tiên cảnh báo Mỹ nên tránh can thiệp vào quan hệ Hàn – Triều để có được một cuộc bầu cử suôn sẻ nếu như không muốn rơi vào cảnh “sởn gai ốc”.
Đây là phản ứng của Triều Tiên trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Washington cảm thấy thất vọng về quyết định của Bình Nhưỡng cắt đứt toàn bộ đường dây liên lạc với Seoul.
Tới ngày 16/6, sau vụ việc Triều Tiên cho đánh sập văn phòng liên lạc Hàn – Triều ở thành phố biên giới Kaesong, Bộ ngoại giao Mỹ tiếp tục lên tiếng kêu gọi các bên bình tĩnh. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Mỹ “hoàn toàn ủng hộ” những nỗ lực của Hàn Quốc trong các mối quan hệ liên Triều và “hối thúc Triều Tiên từ bỏ những hành động tiêu cực tái diễn”.
“Tôi cho rằng, chính phủ Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đang cố gắng hạ nhiệt căng thẳng để tình hình không leo thang thêm”, bà Terry cho hay đối với chính phủ Mỹ, điều quan trọng là Triều Tiên không làm gì để gây rắc rối cho ông Trump.
“Thật khó để Mỹ có thể làm điều gì trong hoàn cảnh này. Bởi hiện tại, việc họ làm là phá hủy văn phòng liên lạc, nhưng cơ sở này vẫn nằm trong lãnh thổ Triều Tiên. Họ chưa làm điều gì với Mỹ cả”, bà Terry nói thêm.
Ông Frank Aum, một chuyên gia cấp cao nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ cho rằng, “liên minh Mỹ - Hàn nên cẩn thận tránh có những phản ứng thái quá trước cơn giận dữ của Triều Tiên”.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc đã đưa ra lời cảnh báo nếu Triều Tiên có hành động quân sự thực tế chống lại Hàn Quốc, Bình Nhưỡng “sẽ phải trả giá”.
“Binh sĩ Hàn Quốc đặc biệt quan ngại về tuyên bố của Bộ Tư lệnh quân đội Triều Tiên liên quan tới các kế hoạch quân sự trái với hai thỏa thuận quân sự gồm Tuyên bố Panmunjom và hiệp ước quân sự được ký kết vào ngày 19/12/2018. Hành động của Triều Tiên đang phá hủy toàn bộ những kết quả chung đạt được trong hơn 20 năm qua và những nỗ lực cải thiện các mối quan hệ liên Triều, cũng như duy trì nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu phía Triều Tiên có hành động thực sự, họ sẽ phải trả giá”, Sputnik dẫn lời một quan chức cấp cao trong Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) phát biểu trong cuộc họp báo.
Trước đó, vào sáng sớm 16/6, Bộ Tư lệnh quân đội Triều Tiên cho hay, quân đội Triều Tiên đang nghiên cứu các biện pháp để giúp quân đội chiếm lại ưu thế tại những khu vực từng được xem là vùng phi quân sự theo thỏa thuận liên Triều, biến tiền tuyến thành pháo đài và nâng cao cảnh giác của quân đội đối với Hàn Quốc.
Vào chiều cùng ngày, Triều Tiên bất ngờ cho đánh sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc tại thị trấn biên giới Kaesong.
Văn phòng liên lạc Hàn – Triều được hình thành vào tháng 9/2018 phục vụ hoạt động trao đổi và hợp tác giữa hai nước. Hoạt động tại văn phòng này bị đóng băng hồi đầu tháng Một do những lo ngại về dịch bệnh.
Sau sự việc trên, phía Hàn Quốc nhấn mạnh thêm, nếu Bình Nhưỡng còn làm tình hình diễn biến xấu hơn, chính Triều Tiên sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Dân làng Hàn Quốc ngăn chai nhựa đựng gạo, khẩu trang trôi sang Triều Tiên
Hàng trăm chiếc trai nhựa chứa gạo và khẩu trang bên trong đã bị người dân làng biên giới Hàn Quốc ngăn lại trước khi trôi sang bờ biển Triều Tiên.
Minh Thu (lược dịch)