Ca tử vong đầu tiên sau gần 70 năm vì virus dại từ dơi ở Mỹ
Cụ ông hơn 80 tuổi trở thành ca tử vong đầu tiên sau gần 70 năm ở Mỹ vì phơi nhiễm với virus dại từ dơi.
Một cụ ông ngoài 80 tuổi ở bang Illinois của Mỹ đã qua đời do mắc bệnh dại sau khoảng một tháng ông phát hiện có dơi trong nhà. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên kể từ năm 1954 vì mắc virus dại từ dơi ở Mỹ.
Theo CNN, hồi tháng Tám, cụ ông hơn 80 tuổi tỉnh dậy và phát hiện có một con dơi ở trên cổ mình. Căn nhà cụ ông sinh sống nằm ở quận Lake thuộc bang Illinois.
Cụ ông ngoài 80 tuổi ở bang Illinois là ca tử vong đầu tiên sau gần 70 năm vì mắc virus dại từ dơi ở Mỹ. (Ảnh: Fox News) |
Sau khi con dơi có kết quả dương tính với virus dại, cụ ông được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, theo Sở Y tế Công cộng bang Illinois (IDPH).
Nhưng sau khoảng một tháng, cụ ông bắt đầu có triệu chứng đau cổ, đau đầu, tê cứng ngón tay, khó kiểm soát cánh tay và khó nói.
Hôm 28/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận cụ ông được chẩn đoán mắc bệnh dại, sau khi mẫu xét nghiệm của bệnh nhân được phân tích tại phòng thí nghiệm của CDC.
Còn theo IDPH, các chuyên gia động vật hoang dã đã tìm thấy cả một đàn dơi sống trong căn nhà của cụ ông ở quận Lake.
“Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại bệnh. Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm với virus dại từ động vật nếu nhanh chóng được cứu chữa vẫn có thể sống sót”, Giám đốc IDPH là Tiến sĩ Ngozi Ezike nói.
Virus dại từ dơi lây qua tiếp xúc trực tiếp với loài vật mang virus bao gồm thông qua nước dãi hoặc mô thần kinh và não bộ, theo CDC. Sau đó, virus dại tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương não bộ. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được điều trị.
Các ca mắc virus dại hiện khá hiếm ở Mỹ khi chỉ có 1 – 3 ca được báo cáo mỗi năm, theo IDPH. Ngoài ra, khoảng 60.000 người dân Mỹ đã tiêm các loại vắc xin phòng bệnh dại hàng năm.
Các quan chức y tế công cộng bang Illinois nhấn mạnh, ngay cả khi người dân thực sự biết họ bị dơi cắn, nhưng “vết răng cắn rất nhỏ và khó nhìn thấy bằng mắt thường”.
Do đó, cơ quan y tế bang Illinois khuyến cáo những ai từng tiếp xúc gần với dơi không nên xua đuổi con vật, cho tới khi nó bị bắt lại để lấy mẫu xét nghiệm để xác định có mang virus dại hay không. Bên cạnh đó, những người đã tiếp xúc với dơi cần liên lạc sớm với các cơ sở y tế ở địa phương để được hỗ trợ và kiểm tra kịp thời.
Trong bản báo cáo của CDC vào năm 2019, cứ 10 ca tử vong vì bệnh dại ở Mỹ thì có 7 trường hợp là do virus dại từ dơi.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành nghiên cứu xu hướng bệnh dại trong vòng 80 năm từ năm 1938 – 2018 ở Mỹ. Theo đó, họ phát hiện phần lớn ca bệnh dại liên quan tới vết cắn của loài chó cho tới năm 1960, thời điểm các loài động vật hoang dã đặc biệt là dơi trở thành nguồn lây virus dại chủ yếu cho con người. Trước đó, vào những năm 1950, chính phủ Mỹ yêu cầu vật nuôi trong nhà cần phải tiêm phòng dại và xích lại. Quy định này được áp dụng trên toàn lãnh thổ Mỹ.
Số ca tử vong vì mắc bệnh dại ở Mỹ rơi vào khoảng 30 – 50 trường hợp mỗi năm hồi thập niên 40, nhưng đã giảm mạnh xuống còn 1 – 3 ca hàng năm. Kết quả này có được sau khi chính phủ Mỹ đặt ra yêu cầu bắt buộc tiêm phòng dại cho vật nuôi, cũng như thực hiện phương pháp điều trị tích cực sau phơi nhiễm.
Hồi tháng Sáu, CDC đã dừng nhập khẩu chó từ hơn 100 quốc gia được cho có nguy cơ cao mang virus dại. CDC giải thích thêm, quyết định được đưa ra do nhiều yếu tố cấu thành bao gồm đại dịch Covid-19, thiếu cơ sở cách ly chó an toàn, cùng việc Mỹ mới ghi nhận 3 trường hợp chó mang virus dại được nhập khẩu vào nước này.
Ấn Độ phát hiện một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới
Báo cáo được đăng tải trên tạp chí The Journal of Infections and Public Health cho hay, các nhà khoa học tại Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ (NIV) lần đầu tiên xác định được virus Nipah trên loài dơi ở bang Maharashtra.
Minh Thu (lược dịch)