Quốc gia thành viên NATO ban hành lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine
Một quốc gia thành viên NATO ban hành sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ thừa nhận hoạt động chuyển giao khí tài cho Kiev sẽ gặp khó khăn.
Hungary giải thích quyết định cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine là động thái cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như ngăn Hungary rơi vào “cuộc chiến này”.
Trong bài phát biểu đăng trên Facebook hôm 7/3, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã ký sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông cho biết sắc lệnh được ban hành sau khi chính phủ Hungary đánh giá tình hình ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị vũ khí tấn công. (Ảnh minh họa) |
“Khi mà các hành động quân sự ngày càng diễn ra sát gần biên giới Hungary, mệnh lệnh được đưa ra nhằm làm rõ rằng các loại vũ khí không thể được vận chuyển từ lãnh thổ Hungary sang lãnh thổ Ukraine”, Thủ tướng Orban nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 6/3, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cũng cho hay mục tiêu trên hết của chính phủ nước này là “ngăn Hungary rơi vào cuộc chiến hiện nay”.
“Chúng tôi chống lại sức ép và những yêu cầu của phe đối lập. Chúng tôi sẽ không gửi binh sĩ cũng như vũ khí tới Ukraine, chúng tôi sẽ không cho phép chuyển giao các loại vũ khí sát thương trong lãnh thổ của chúng tôi”, ông Szijarto viết trên Facebook.
Sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng vẫn cho phép các lực lượng NATO hoạt động ở Hungary và cấp phép vận chuyển các loại vũ khí qua lãnh thổ Hungary tới các nước thành viên NATO.
Không giống như các đối tác phương Tây, Hungary chỉ lên tiếng chỉ trích Nga 2 ngày, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong đó, Tổng thống Hungary Janos Ader từng nói Hungary có “chung quan điểm với Liên minh châu Âu (EU) và NATO”.
Sau đó, Thủ tướng Orban xác nhận Hungary sẽ không phủ quyết các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.
Trong bối cảnh hàng chục ngàn người Ukraine chạy trốn khỏi chiến sự để sang Hungary, Thủ tướng Orban cam kết ủng hộ chuyện này và nói rằng “những người bỏ chạy khỏi Ukraine sẽ tìm được một người bạn ở Hungary”.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 với mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukraine và bảo vệ “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, cùng lãnh thổ Nga. Trước đó, vào tối ngày 21/2, ông Putin chính thức lên tiếng công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, hai khu vực ly khai khỏi chính quyền Kiev kể từ năm 2014. Phương Tây đã đáp trả Nga bằng hàng loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhằm vào nhiều lĩnh vực kinh tế và giới chức hàng đầu của Nga.
Trong khi đó, hôm 7/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thừa nhận trong những ngày sắp tới, hoạt động vận chuyển vũ khí hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga sẽ có thể ngày càng khó khăn hơn.
“Hoạt động vận chuyển có thể trở nên khó khăn hơn trong những ngày tới và chúng tôi sẽ phải tìm ra những cách khác để giải quyết vấn đề”, RT dẫn lời bà Sherman.
“Điều quan trọng là chúng tôi đang gửi những thứ mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu, bởi ông ấy chính là người biết rõ nhất quân đội Ukraine cần gì nhất”, bà Sherman giải thích.
Dù bà Sherman từ chối đưa ra lý do khiến hoạt động vận chuyển vũ khí cho Ukraine gặp khó khăn, nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đang suy nghĩ về cách xoa dịu yêu cầu của Tổng thống Zelensky về việc cung cấp các chiến đấu cơ cho quân đội Ukraine. Chính phủ Mỹ cho hay các phi công Ukraine sẽ chỉ có thể sử dụng các loại chiến đấu cơ của Ba Lan có từ thời Liên Xô cũ.
Bà Sherman nhấn mạnh thêm, bà không muốn Moscow xem việc cung cấp các loại chiến đấu cơ từ Ba Lan là việc tham chiến trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“Việc chuyển giao các loại máy bay như trên nên được xem giống như tất cả những sự chuyển giao từ trước tới nay để đảm bảo quyền phòng thủ của Ukraine”, bà Sherman nói.
Thậm chí, Tổng thống Zelensky từng yêu cầu NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine, song NATO đã bác bỏ đề nghị này vì lo sợ “một cuộc chiến toàn diện sẽ bùng nổ ở châu Âu”.
Tổng thống Nga Putin cũng đồng tình với quyết định của NATO và giải thích rằng bất cứ quốc gia nào thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine cũng sẽ bị xem là tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky chỉ trích việc NATO quyết định không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine là “yếu kém”.
Hồi tháng trước, chính phủ Mỹ đã cấp phép hỗ trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine. Hiện Hạ viện Mỹ đang xem xét gói hỗ trợ trị giá 10 tỉ USD cho Ukraine. Vào tuần trước, EU đã chuyển số vũ khí trị giá 500 triệu USD cho Ukraine. Động thái được xem là phá lệ, bởi trước đây EU không gửi vũ khí tới vùng chiến sự. Đức cũng thay đổi chính sách và chuyển giao nhiều loại vũ khí cho quân đội Ukraine giữa lúc xảy ra giao tranh với Nga.
Chuyện gì xảy ra nếu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Ukraine nổ tung?
Nếu nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn nhất ở Ukraine phát nổ, thảm họa được cho sẽ lớn gấp 10 lần so với những gì từng xảy ra ở nhà máy Chernobyl.
Minh Thu (lược dịch)