Quân đội Trung - Ấn 'chạm trán' bí ẩn trong đêm ở biên giới
Những thông tin chi tiết liên quan tới vụ "chạm trán" vào đêm 30/8 giữa quân đội Trung - Ấn vẫn được hai bên giữ kín.
Quân đội Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc cố tình làm thay đổi hiện trạng bằng “những hoạt động di chuyển quân sự mang tính khiêu khích” dọc khu vực biên giới tranh chấp ở Đông Ladakh. Hồi đầu năm nay, Đông Ladakh cũng chính là khu vực xảy ra đụng độ căng thẳng giữa quân đội Trung - Ấn.
Theo thông báo từ quân đội Ấn Độ vào hôm nay (31/8), binh sĩ Ấn Độ đã kịp thời chặn đứng hoạt động xâm nhập của quân đội Trung Quốc vào đêm 30/8 tại bờ phía nam hồ Pangong Tso. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ cũng đã tăng cường củng cố các vị trí để “ngăn chặn ý định của Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trên mặt đất”.
Quân đội Trung - Ấn 'chạm trán' bí ẩn ở biên giới tranh chấp vào đêm 30/8. (Ảnh: Reuters) |
Hồ Pangong Tso nằm ở độ cao lớn và cũng là nơi quân đội hai nước đang tăng cường số lượng tàu tuần tra và từng xảy ra không ít va chạm quy mô nhỏ.
Hiện Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận về thông tin được phía Ấn Độ công bố. Ấn Độ cũng không tiết lộ chi tiết vụ việc xảy ra vào đêm qua, nhưng nhấn mạnh Ấn Độ quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc.
“Quân đội Ấn Độ cam kết duy trì hòa bình thông qua đối thoại, nhưng cũng quyết tâm bảo vệ sự hợp nhất lãnh thổ quốc gia”, RT dẫn tuyên bố từ quân đội Ấn Độ.
Cũng theo quân đội Ấn Độ, một cuộc gặp giữa quan chức quân sự hai bên đã được tổ chức ở làng Chushul để giải quyết vụ việc xảy ra vào đêm 30/8.
Căng thẳng tranh chấp biên giới Trung - Ấn nằm dọc Đường Kiểm soát thực tế (LAC) có chiều dài 4.057 km bùng phát kể từ tháng Sáu, sau vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017. LAC nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát.
Để hạ nhiệt căng thẳng, quân đội Trung - Ấn đã nhiều lần tiến hành đàm phán về hoạt động rút bớt quân ở khu vực tranh chấp. Nhưng cho tới nay, hai nước vẫn chưa thể đưa ra thống nhất chung.
Bắc Kinh và New Delhi thường đổ lỗi cho nhau là nguyên nhân làm leo thang căng thẳng và xung đột biên giới. Vào năm 1962, Trung - Ấn từng rơi vào cuộc chiến đẫm máu liên quan tới khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya.
Giữa lúc đàm phán với TQ, Tướng Ấn Độ nói về hành động quân sự
Tướng quân đội Ấn Độ có tuyên bố ám chỉ sẵn sàng hành động quân sự, nếu đàm phán tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thất bại.
Minh Thu (lược dịch)