Nơi thi thể bệnh nhân Covid-19 vẫn chất đống chờ xử lý
Hong Kong đang rơi vào cảnh quá tải thi thể bệnh nhân Covid-19 cần xử lý, cùng tình trạng khan hiếm quan tài cũng như nhiều mặt hàng phục vụ lễ tang.
Những chiếc quan tài làm bằng gỗ truyền thống đang ngày càng khan hiếm ở đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, giữa lúc làn sóng Covid-19 tấn công khiến số người mới mắc bệnh và tử vong không ngừng gia tăng, đẩy các nhà tang lễ và nhà xác vào cảnh quá tải.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng có nhiều thi thể nằm chồng chất lên nhau như thế này”, ông Lok Chung (37 tuổi), một giám đốc nhà tang lễ ở Hong Kong chia sẻ.
Tang lễ của một bệnh nhân Covid-19 ở Hong Kong. (Ảnh: Reuters) |
Theo ông Chung, trong tháng Ba, nhà tang lễ do ông điều hành đã tổ chức khoảng 40 lễ tang. Trong khi vào giai đoạn bình thường, nhà tang lễ chỉ tổ chức 15 lễ tang mỗi tháng.
“Tôi chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều gia đình đau buồn đến thế, đó là sự bất lực và thất vọng”, ông Chung chia sẻ với Reuters.
Kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ 5 tấn công đặc khu hành chính vào đầu năm nay, Hong Kong ghi nhận có hơn 1 triệu ca mới nhiễm virus corona và hơn 8.000 trường hợp đã tử vong.
Cảnh tượng thi thể được bọc trong các túi chứa xác nằm trong phòng cấp cứu ngay cạnh nơi đang chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 khiến nhiều người hoảng sợ. Nguyên nhân là do các nhà tang lễ đã không còn chỗ chứa thi thể.
Ông Chung nói thêm, việc chờ xử lý giấy tờ liên quan tới các ca tử vong vì Covid-19 mất một thời gian dài đã cản trở công việc chung. Điển hình, gia đình của một nữ bệnh nhân Covid-19 qua đời vào ngày 1/3 nhưng vẫn đang phải chờ các thủ tục giấy tờ để được nhận thi thể người nhà.
Không chỉ quan tài mà các mặt hàng được dùng để cúng lễ làm từ giấy để đốt cho người chết như tiền vàng, ô tô, nhà cửa, trang sức cũng đang ngày càng khan hiếm ở Hong Kong.
Nguyên nhân là do hoạt động giao thông nối giữa thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc với Hong Kong đang bị phong tỏa để ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan. Trong khi Thâm Quyến lại là nơi cung cấp phần lớn các mặt hàng cho Hong Kong.
Ông Hades Chan (31 tuổi), Giám đốc của một nhà tang lễ ở Hong Kong, cho hay việc các nhân viên nhà tang lễ mắc Covid-19 cũng trở thành thách thức lớn trong giai đoạn dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
“Gần 1/4 nhân viên hiện không thể làm việc. Chỉ còn một vài cơ sở có đủ nhân lực để duy trì hoạt động trôi chảy”, ông Chan cho biết.
Một phụ nữ ở nhà nội trợ có tên Kate (36 tuổi) cho biết, bố chồng cô đã qua đời hồi tháng Ba do mắc Covid-19. Sự ra đi của người thân khiến cả gia đình vô cùng đau buồn và điều tiếc nuối nhất là không ai trong nhà được nhìn mặt ông cụ lần cuối ở bệnh viện.
"Khi nhân viên y tế thông báo có lẽ bố chồng tôi không qua khỏi, chúng tôi đã vội tới viện, nhưng mọi chuyện đã quá muộn”, cô Kate nghẹn lời tại buổi lễ tang “Đây là cơ hội duy nhất để chúng tôi được nhìn thấy ông cụ lần cuối”.
Theo bà Irene Young, quan chức phụ trách vấn đề thực phẩm và vệ sinh của đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc đại lục cung cấp hơn 95% trong tổng số 250 – 300 chiếc quan tài mà Hong Kong sử dụng mỗi ngày.
Trong suốt tháng Ba, tính trung bình, Hong Kong có 200 ca Covid-19 tử vong mỗi ngày. Tình trạng bị nhầm lẫn quan tài hoặc quan tài bị đánh cắp cũng đã xuất hiện ở Hong Kong.
Trong giai đoạn từ ngày 14 – 26/3, Trung Quốc đã chuyển cho Hong Kong hơn 3.570 chiếc quan tài. Ngoài ra, 6 nhà hỏa táng ở Hong Kong đã phải làm việc cả ngày đêm và mỗi ngày xử lý gần 300 thi thể. Con số này cao gấp đôi so với giai đoạn bình thường.
Các nhà xác công cộng cũng phải mở rộng sức chứa từ 1.350 lên thành 4.600 thi thể.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung quan tài bằng gỗ, tổ chức phi chính phủ có tên Forget Thee Not đã hợp tác với LifeArt Asia, một công ty sản xuất quan tài làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, tài trợ 300 chiếc quan tài cùng 1.000 chiếc hộp chất bảo quản thi thể cho 6 bệnh viện công ở Hong Kong.
Chiếc quan tài đặc biệt được làm từ bìa các tông trộn cùng sợi gỗ tái chế có thể chịu được sức nặng lên tới 200 kg. Khi được đặt trong quan tài hoặc túi đựng thi thể, chất bảo quản dạng bột sẽ chuyển thành khí để giữ thi thể ở trạng thái tự nhiên tối đa 5 ngày.
“Chúng tôi đang ở tâm bão. Vì đang ở giữa cơn bão, chúng tôi đang cố tạo ra khoảng thời gian trì hoãn”, ông Wilson Tong, Tổng Giám đốc công ty LifeArt Asia nói.
Những đứa trẻ cô đơn giữa làn sóng dịch Covid-19 ở Thượng Hải
Nhiều trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh ở Thượng Hải, Trung Quốc bị đưa đi cách ly một mình mà bên cạnh không có người thân chăm sóc.
Minh Thu (lược dịch)