Những hình ảnh ‘hiếm có khó tìm’ của Vua Charles III
Sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau hơn 70 năm trị vì, Thái tử Charles trở thành người kế vị ngai vàng với vương hiệu Vua Charles III.
Vua Charles III (73 tuổi), vua của nước Anh và Khối thịnh vượng chung, tên đầy đủ là Charles Phillip Arthur George, sinh ngày 14/11/1948 tại Cung điện Buckingham.
“Hôm nay, vương miện được truyền cho quốc vương mới như truyền thống trong hàng ngàn năm qua. Nguyên thủ mới của chúng ta: Đức Vua Charles III”, Thủ tướng Anh Liz Truss thông báo.
“Cùng với Hoàng gia, chúng ta tiếc thương sự ra đi của Nữ hoàng. Trong khi tiếc thương, chúng ta cần đoàn kết lại để hỗ trợ ông ấy, để giúp nhà vua gánh vác trách nhiệm nặng nề mà ông ấy phải gánh vác cho tất cả chúng ta”, Thủ tướng Truss phát biểu.
Kế thừa ngôi vị từ mẹ, Vua Charles cũng sẽ kế thừa những trách nhiệm và đặc ân, ngoại trừ việc không được đội vương miện trước lễ đăng cơ.
Thái tử Charles chụp ảnh cùng các con cháu nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70. (Ảnh: AP) |
Theo truyền thống, sẽ có nhiều thủ tục được thực hiện sau khi ông Charles kế vị. Bước đầu tiên là gặp Hội đồng kế vị, gồm các quan chức từ Hội đồng cơ mật, trong đó có các bộ trưởng cấp cao của nội các, các thẩm phán và lãnh đạo nhà thờ. Đó là khi ông Charles chính thức được tuyên bố là nhà vua mới.
Nhà vua sẽ tuyên thệ trước Hội đồng cơ mật về bảo vệ Nhà thờ Scotland. Tiếp theo là lễ tuyên bố công khai tại Cung điện St James ở London và nhiều địa điểm khác ở Edinburgh, Scotland, Cardiff, Wales, và Belfast, Ireland.
Lễ đăng cơ chính thức của Vua Charles sẽ không diễn ra ngay. Lễ lên ngôi của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra 16 tháng sau khi cha bà là Vua George VI băng hà.
“Lễ đăng cơ thường kéo dài cả năm vì còn để thời gian để tang”, Kate Williams, một giáo sư sử học tại Đại học Reading cho biết.
Lễ đăng cơ chính thức sẽ diễn ra tại Tu viện Westminster, theo truyền thống suốt 900 năm qua.
Năm 1952, khi mới 3 tuổi, ông trở thành người chờ kế vị sau khi mẹ của ông - Công chúa Elizabeth - đăng quang Nữ hoàng.
Năm 1955, Cung điện Buckingham ra tuyên bố Charles sẽ đến trường học, thay vì học gia sư tại nhà như những người thừa kế trước đó, khiến ông trở thành người thừa kế đầu tiên của Hoàng gia Anh được giáo dục theo phương pháp này.
Tháng 11/1956, Hoàng tử Charles III bắt đầu học tại trường Hill House ở Tây London. Sau 10 tháng, Hoàng tử nhỏ trở thành học sinh nội trú tại Cheam School, một trường dự bị ở Berkshire.
Thái tử Charles kế thừa ngôi vị và trở thành Vua Charles III của Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II. (Ảnh: AP) |
Ông Charles cũng từng học tại Đại học Trinity và Cambridge, ngành khảo cổ, vật lý và nhân chủng học, nhưng sau đó chuyển sang ngành lịch sử.
Ngày 8/3/1971, Hoàng tử Charles đã gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia (RAF) ở Lincolnshire, ông được đào tạo để làm phi công phản lực. Tháng 9 năm đó, ông tham gia Hải quân Hoàng gia, theo bước chân của cha, ông và cả bà cố của mình.
Sau khóa học 6 tuần tại Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Dartmouth, Hoàng tử Charles phục vụ trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường HMS Norfolk và hai tàu khu trục nhỏ.
Ông đủ điều kiện trở thành phi công trực thăng vào năm 1974 trước khi gia nhập Phi đội Không quân Hải quân 845, hoạt động từ tàu sân bay Commando HMS Hermes.
Vào ngày 9/2/1976, ông trở thành chỉ huy tàu quét mìn ven biển HMS Bronington trong 9 tháng phục vụ cuối cùng của mình trong Hải quân.
Thái tử Charles kết hôn với người vợ Diana năm 1981 và có hai Hoàng tử là William và Harry. Hai người ly hôn năm 1996. Năm 2005, ông kết hôn với bà Camilla.
Người vợ thứ hai của ông, Nữ công tước xứ Cornwall Camila Rosemary (74 tuổi), cũng chính thức trở thành tân Hoàng hậu nước Anh.
Trước đó, hồi tháng Hai, trong thông điệp công bố trước lễ kỷ niệm 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II cũng đã thể hiện “mong muốn chân thành” rằng vợ của Thái tử Charles sẽ trở thành hoàng hậu khi ông lên ngôi.
Đảm nhiệm vai trò là người thừa kế ngai vàng nước Anh kể từ năm 1952 đến 2022, ông Charles là người giữ vai trò này lâu nhất trong lịch sử nước Anh.
Từ năm 2014, Thái tử Charles đã ngày càng đảm đương nhiều nhiệm vụ khi nhiều lần thay mặt Nữ hoàng xuất hiện trong các sự kiện chính thức.
Trong suốt thời gian qua, ngoài đảm nhận các nhiệm vụ chính thức của Hoàng gia, hỗ trợ Nữ hoàng, ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Ông đảm nhiệm vai trò là người bảo trợ, chủ tịch và thành viên của hơn 400 tổ chức và quỹ khác nhau.
Thái tử Charles trở thành người lớn tuổi nhất lên ngôi vua sau khi mẹ ông qua đời vào ngày 8/9. Ông sẽ trở thành người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, một hiệp hội gồm 56 quốc gia độc lập và 2,4 tỷ dân.
Những hình ảnh ‘hiếm có khó tìm’ của Vua Charles III:
Thái tử Charles nghỉ ngơi ngắn ngày tại một ngôi chùa cầu nguyện Phật giáo trên dãy Himalaya Bhutan, trong khi đi bộ lên Tu viện Paro Taktsang vào tháng 2/1998. |
Thái tử Charles thăm Giants Causeway khi Du thuyền Hoàng gia Britannia đợi ngoài khơi trong chuyến thăm Bắc Ireland vào tháng 6/1996. |
Thái tử Charles và Công nương Diana tạo dáng tại Ayers Rock, Australia vào tháng 3/1983. |
Thái tử Charles và Công nương Diana đứng trên ban công của Cung điện Buckingham sau đám cưới vào tháng 7/1981. |
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và phu nhân Nancy Reagan chào đón Thái tử Charles và Công nương Diana tại Washington vào tháng 11/1985. |
Công nương Diana và Thái tử Charles gặp gỡ Giáo hoàng John Paul II trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican vào tháng 4/1985. |
Công nương Diana và Thái tử Charles nhìn theo các hướng khác nhau trong buổi lễ được tổ chức để tưởng nhớ 59 binh sĩ Anh thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên vào tháng 11/1992. |
Thái tử Charles trượt khỏi xe trượt băng ở Klosters, Thụy Sĩ vào tháng 1/1995. |
Thái tử Charles trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm Trận chiến Arnhem vào tháng 9/1994. |
Thái tử Charles đứng cùng các con trai trên bờ sông Muick gần Ballater, tại Lâu đài Balmoral vào tháng 8/1997. |
Thái tử Charles cúi xuống khi nhìn kỹ đàn chim cánh cụt trên Đảo Sư tử Biển ngoài khơi quần đảo Falkland vào tháng 3/1999. |
Thái tử Charles xem cuộc nhảy dù của 450 binh sĩ từ Trung đoàn Nhảy dù Tiểu đoàn 1 và lính dù Canada xuống khu vực Ranville ở Normandy, Pháp, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ D-Day vào 6/2004. |
Thái tử Charles cười tươi bên cạnh Nữ công tước xứ Cornwall khi rời Nhà nguyện Thánh George ở Lâu đài Windsor sau hôn lễ của họ vào tháng 4/2005. |
Thái tử Charles hôn tay mẹ sau khi bà trao tặng ông Huân chương Danh dự của Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Victoria, trong chuyến thăm Chelsea Flower Show ở London vào tháng 5/2009. |
Thái tử Charles khiêu vũ với dân làng tại làng Tolasar gần Jodhpur ở bang Rajasthan của Ấn Độ vào tháng 10/2010. |
Thái tử Charles đi xe đạp điện trong Triển lãm Start Garden và Nhà hàng Pop-Up tại Clarence House ở trung tâm London vào tháng 7/2011. |
Thái tử Charles cười trong bữa trưa với các cựu chiến binh D-Day tại một trung tâm cộng đồng ở Ranville, Pháp, nhân kỷ niệm 60 năm ngày đổ bộ D-Day vào tháng 6/2004. |
Thái tử Charles, mặc trang phục truyền thống của Ả Rập Xê Út, tham dự điệu múa truyền thống của nước này được gọi là Arda, ở Riyadh vào tháng 2/2014. |
Thái tử Charles ngồi cạnh Nữ hoàng Elizabeth II trong Lễ khai mạc Quốc hội vào tháng 6/2017. |
Nữ hoàng Anh Elizabeth, Thái tử Charles và Catherine, Nữ công tước xứ Cambridge, cùng với Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis xuất hiện trên ban công của Cung điện Buckingham trong khuôn khổ cuộc diễu hành Trooping the Colour tại lễ kỷ niệm Đại lễ bạch kim của Nữ hoàng ở London, Anh vào ngày 2/6/2022. |
Thanh Bình (lược dịch)
Nước Anh và thế giới trong ngày Nữ hoàng Elizabeth II qua đời
Tang lễ chính thức của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ được tổ chức tại Westminster Abbey, nơi bà kết hôn với Hoàng thân Philip năm 1947.
Những khoảnh khắc đáng nhớ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Nữ hoàng Anh Elizabeth II, nhân chứng của thế kỷ 20, biểu tượng của truyền thống và sự ổn định của Vương quốc Anh đã qua đời ở tuổi 96 vào tối ngày 8/9 (giờ London).