Những hạn chế về Covid-19 đang thay đổi như thế nào ở các quốc gia?
Sau gần 4 tháng phong tỏa các nhà chức trách Australia cuối cùng đã nới lỏng các hạn chế về Covid-19 ở Sydney và New South Wales, nhưng chỉ đối với những người dân được tiêm chủng đầy đủ.
Theo đó, đối với các khu vực ở Australia, nơi có hơn 70% cư dân đã được tiêm 2 liều vắc xin Covid-19, đây được coi là “Ngày Tự do”. Giờ đây, 10 người đã được tiêm chủng có thể tụ tập trong một ngôi nhà và có thể có tới 30 người trên đường phố. Ngoài ra, có thể mời tới 100 khách đã được tiêm chủng đến đám cưới và đám tang, trong khi chỉ có 5-10 người chưa được tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đã được phép mở cửa trở lại với chế độ giãn cách. Các phòng tập thể dục, cũng như các tiệm làm tóc, làm đẹp và xăm hình, được mở cửa với những hạn chế không quá 5 khách hàng trong một phòng. Các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo khác mở cửa trở lại, nhưng cũng phải tuân theo các quy tắc về giữ khoảng cách xã hội. Phòng hòa nhạc trong nhà vẫn bị cấm, nhưng điều này không áp dụng với những người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 được xem là đòn bẩy phục hồi nền kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều thách thức phía trước cần phải tập trung ứng phó. (Ảnh: Reuters) |
Ở nước láng giềng New Zealand các nhà chức trách đã thực hiện các biện pháp quyết liệt và “đe dọa” sẽ đuổi việc những người chưa được tiêm chủng của một số ngành nghề nhất định. Điều này chủ yếu áp dụng cho giáo viên, nhân viên trường học tiếp xúc với học sinh, bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác. Cho đến gần đây, quốc gia này có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp kỷ lục, nhưng với sự xuất hiện của biến chủng Delta, tình hình lại trở nên tồi tệ hơn và chính phủ đã phải siết chặt các quy định.
Tại Pháp, nơi các nhân viên y tế đã được lệnh tiêm chủng bắt buộc cách đây vài tuần, các nhà chức trách nước này đang tìm cách buộc những người khác phải làm như vậy. Từ ngày 15/10, đối với tất cả các công dân chưa được tiêm chủng, các xét nghiệm về Covid-19 sẽ được tính phí. Các xét nghiệm PCR sẽ có giá 44 euro/người nếu được thực hiện trong phòng thí nghiệm và 25 euro/người nếu ở hiệu thuốc. Các trường hợp ngoại lệ sẽ là những người trẻ vẫn đang đi học và vừa mới tổ chức sinh nhật lần thứ 18, cũng như những người trưởng thành chưa được chủng ngừa có các triệu chứng Covid-19 hoặc đang trong danh sách chờ phẫu thuật.
The Local cho hay, kể từ bây giờ tại Đức, các xét nghiệm truy vết Covid-19 không vì mục đích y tế cũng sẽ được tính phí. Nhiều khả năng, các xét nghiệm nhanh sẽ có giá từ 12-50 euro/người, và xét nghiệm PCR có giá từ 44-100 euro/người.
Trong khi đó, Italy là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) quyết định bắt buộc tất cả những người đang làm việc trong nước phải có hộ chiếu Covid-19, nó chứa thông tin về tiêm chủng, bệnh tật trước đó hoặc xét nghiệm PCR. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả những người đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân, các quan chức chính phủ và những người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước theo hợp đồng.
Những người không thực hiện quy định sẽ bị phạt số tiền từ 600-1.500 euro/người và người sử dụng lao động nếu không kiểm tra “thẻ xanh” của cấp dưới sẽ bị phạt 1.000 euro/người.
Ngoài ra, nếu một nhân viên trong khu vực công không xuất trình được hộ chiếu Covid-19, thì 5 ngày tiếp theo trong hồ sơ cá nhân của người này sẽ bị liệt vào danh sách “chống đối”. Sau ngày thứ 5, người này sẽ bị đình chỉ công việc không lương cho đến khi hoàn thành hộ chiếu Covid-19. Tuy nhiên, đối với người lao động trong khu vực tư nhân sẽ bị tước lương ngay lập tức và bị đánh dấu là vắng mặt. Theo một số ước tính, các quy định mới có hiệu lực vào ngày 15/10 sẽ ảnh hưởng đến 18 triệu người Italy.
Hiện phần lớn châu Âu đã mở cửa đối với khách du lịch quốc tế và nới lỏng các biện pháp kiểm dịch Covid-19 sau đợt lây nhiễm bùng phát vào mùa Xuân vừa qua. (Ảnh: Scanpix) |
Ở Anh, câu chuyện hộ chiếu Covid-19 đã diễn ra từ lâu nhưng cho đến nay mới có Wales quyết định đưa vào sử dụng. Theo nghị định của chính quyền địa phương, nếu không có thẻ chứa thông tin về việc tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19, thì người dân không thể đến hộp đêm, các sự kiện trong nhà cho hơn 500 người, các sự kiện ngoài trời cho hơn 4.000 người và bất kỳ sự kiện nào dành cho hơn 10 nghìn người, bao gồm cả hoạt động thể thao.
Tuy nhiên, theo BBC, ở Scotland, việc tham gia vào những nơi như vậy chỉ yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng. Trước mùa đông, các nhà chức trách Anh cũng đã bắt đầu tiêm vắc xin phòng bệnh cúm, vì lo ngại rằng song song với Covid-19, loại bệnh này có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm. Chính phủ Anh hy vọng sẽ tiêm phòng cúm cho 35 triệu người.
Bên cạnh đó, tại Romania, các nhà chức trách nước này đang ghi nhận tỷ lệ mắc Covid-19 kỷ lục kể từ tháng 12 năm ngoái và do đó đang tích cực đề nghị người dân tiêm liều vắc xin thứ 3. Đặc biệt được khuyến khích cho người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc bệnh. Các khu vực khác nhau trên toàn quốc thiết lập các biện pháp phong tỏa và kiểm dịch riêng tùy thuộc vào tình hình dịch tễ.
Ở một số quốc gia khác như ở Đan Mạch thì ngược lại, các nhà chức trách nước này đã “gặt hái” được thành công sau các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và giờ đây đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế. Ở đất nước thuộc vùng Scandinavia này, quy định phải có giấy chứng nhận tiêm chủng thì mới được phép vào hộp đêm và các cơ sở giải trí khác. Quyết định này được đưa ra sau khi hơn 80% người Đan Mạch trên 12 tuổi đã được chủng ngừa vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, người dân vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang tại sân bay, các cuộc gặp với bác sĩ, xét nghiệm và trong bệnh viện. Ngoài ra, nhà chức trách Đan Mạch vẫn khuyến nghị về việc tuân thủ giữ khoảng cách xã hội ở một số nơi.
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến nay toàn cầu ghi nhận hơn 239 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,87 triệu ca tử vong và hơn 216,2 triệu bệnh nhân bình phục.
Thanh Bình (lược dịch)