Đức không cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho người tiêm vắc xin Sputnik V
Der Spiegel đưa tin, một tòa án ở Đức đã bác đơn kháng cáo của một công dân nước này được tiêm vắc xin Sputnik V, khi người này yêu cầu được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin.
Quyết định của tòa án được giải thích là do vắc xin của Nga không được chấp thuận ở Đức.
Der Spiegel dẫn thông tin từ tòa án hành chính của bang Kassel đã bác bỏ kháng cáo liên quan đến vắc xin Sputnik V vào thứ 6 (1/10) cho hay: “các công dân Đức được tiêm chủng đầy đủ bằng vắc xin Sputnik V của Nga sẽ không nhận được quyền được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Đức”.
Đức không cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho người tiêm vắc xin Sputnik V. (Ảnh: Reuters) |
Người đệ đơn kháng cáo cho biết, anh được tiêm đầy đủ vắc xin Nga, liều đầu tiên anh nhận được vào tháng 5 ở Moscow, và liều thứ 2 vào tháng 7 ở San Marino. Tuy nhiên, khi đến Đức, anh yêu cầu cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin nhưng bị từ chối, đến nay quyết định này đã được tòa án xác nhận.
Theo các quy định có hiệu lực ở Đức, chỉ có thể cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 nếu một trong các loại vắc xin được liệt kê trong danh sách của Viện nghiên cứu Paul Ehrlich, trực thuộc Bộ Y tế Đức cấp phép. Tuy nhiên, Sputnik V không có trong danh sách này.
Der Spiegel thông tin, tòa án lưu ý rằng luật pháp châu Âu nói chung cho phép cấp giấy chứng nhận vắc xin trên cơ sở tiêm chủng được thực hiện tại một quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trường hợp này không bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền của Đức phải cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho những người được tiêm vắc xin không được chấp thuận ở nước này.
Mới đây, theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, vắc xin Sputnik V của Nga sẽ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp trong thời gian tới.
Ông Murashko ra thông báo trên sau cuộc gặp với Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ở Geneva, Thụy Sĩ.
“Chỉ còn một vài thủ tục hành chính nhỏ cần được giải quyết”, ông Murashko nói.
Theo ông Murashko, các vấn đề tồn tại gây cản trở quá trình phê duyệt vắc xin Sputnik V đã được phía Nga và WHO giải quyết.
“Quan điểm của Nga về việc quảng bá và đăng ký vắc xin Sputnik V đã được WHO lắng nghe. Chúng tôi đã giải quyết hoàn toàn tất cả các vướng mắc”, ông Murashko nói thêm.
“Toàn bộ các rào cản đã được dỡ bỏ. Chúng tôi không còn thấy có trở ngại ngăn cản vắc xin Nga được WHO cấp phép. Tổng giám đốc WHO đã xác nhận như vậy”, Bộ trưởng Y tế Nga nhấn mạnh.
Sputnik V là vắc xin ngừa Covid-19 do Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh học Quốc gia Gamalaya của Nga phát triển. Vắc xin Sputnik V sử dụng công nghệ vector virus, tương tự như vắc xin AstraZeneca của Anh.
Theo dữ liệu thử nghiệm do viện Gamalaya công bố, vắc xin Sputnik V có khả năng phòng ngừa Covid-19 lên tới 97,6% và 100% khả năng ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.
Vắc xin Sputnik V đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng tại 49 quốc gia với khoảng 85 triệu liều đã sử dụng.
Đức phủ nhận sự liên quan của Gazprom trong việc tăng giá khí đốt
Người đứng đầu Ủy ban Hạ viện về Kinh tế và Năng lượng Đức Klaus Ernst cho biết, tập đoàn Gazprom của Nga không liên quan tới sự gia tăng giá khí đốt ở châu Âu.
Thanh Bình (lược dịch)