Nga thừa nhận mất vị thế dẫn đầu trong xuất khẩu khí đốt?
Chính phủ Nga thừa nhận rằng vào năm 2024, Nga có thể mất vị trí dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu khí đốt.
Thông tin này được trích từ kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Năng lượng của Nga đến năm 2035.
Theo tài liệu này, trong hai năm tới Nga sẽ giữ vị trí đầu tiên trong số ba nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các dự báo cho năm 2024 kém lạc quan hơn khi cho thấy Nga có thể rơi xuống hàng thứ hai.
Nga thừa nhận mất vị thế dẫn đầu trong xuất khẩu khí đốt? (Ảnh: Vitaly Timkiv) |
Trong những thập kỷ qua, Nga liên tục là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho thị trường quốc tế. Thị trường tiêu thụ chính cho nhiên liệu xanh của Nga là châu Âu.
Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga đã xuất khẩu 261 tỉ mét khối khí đốt vào năm 2019. Đứng vị trí thứ hai thuộc về Qatar (143 tỉ), thứ ba là Mỹ (132 tỉ), thứ tư là Na Uy (111 tỉ) và thứ năm là Australia (100 tỉ).
Chuyên gia Dmitry Marinchenko, Giám đốc Tập đoàn tài nguyên và hàng hóa Fitch chia sẻ với RIA rằng, tiềm năng tăng trưởng sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là lớn nhất ở Mỹ, quốc gia có trữ lượng lớn về khí đá phiến và Qatar, quốc gia hiện đang có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất. Do đó, hai quốc gia này có thể dẫn đầu trong số các nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất.
Theo ông Marinchenko, bảo vệ vị trí đầu bằng mọi giá không phải là cách tiếp cận hợp lý nhất.
“Điều quan trọng hơn là bất kỳ dự án mới nào cũng mang lại lợi nhuận, thu nhập ngoại hối và thuế cho ngân sách”, ông Marinchenko nhấn mạnh.
Ông Marinchenko cho rằng, Nga có thể tăng thị phần trên thị trường khí đốt thông qua việc xây dựng các đường ống mới đến Trung Quốc và việc triển khai các dự án LNG mới.
Tuy nhiên, chuyên gia của Fitch kết luận, Nga khó có khả năng tăng mạnh doanh số bán hàng sang châu Âu, trở ngại có thể là sự cạnh tranh với LNG và việc các nước châu Âu đang dần chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Nga là một trong những nước dẫn đầu trong số các nước châu Âu về lượng khí đốt cung cấp cho người dân địa phương. Người Nga có thể mua khoảng 6,8 nghìn mét khối nhiên liệu xanh mỗi tháng.
Trước đó, Qatar, nhà xuất khẩu LNG chính trên thế giới và là đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường năng lượng, đã xây dựng một siêu dự án giúp nước này duy trì vai trò thống trị toàn cầu trong việc cung cấp nguồn nhiên liệu này.
Trong thập niên vừa qua, việc sản xuất LNG ở Mỹ, Australia và các quốc gia khác đã tăng lên, trong khi Qatar không tăng công suất. Vương quốc này đang chuẩn bị thực hiện một dự án lớn nhất thế giới để mở rộng việc sản xuất LNG nhằm giữ nguyên vị trí dẫn đầu trong ngành.
Chỉ riêng kinh phí đầu tư vào công tác xây dựng đã lên tới gần 13 tỉ USD. Tổng chi phí cho siêu dự án dự kiến vào khoảng 29 tỉ USD. Một phần khối lượng LNG sản xuất ra sau khi thực hiện dự án sẽ dành để cung cấp cho người tiêu dùng châu Âu, hiện là thị trường chính tiêu thụ loại nhiên liệu này của Nga.
Tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc khiến Nga 'dè chừng'?
Những nỗ lực của Trung Quốc để trở thành một bên đóng vai trò quan trọng ở Bắc Cực đang gây ra sự hoài nghi từ nhiều quốc gia, trong đó có Nga.
Thanh Bình (lược dịch)