Nga bị phương Tây 'phong tỏa' vì tấn công Ukraine, Trung Quốc hưởng lợi?
Lệnh trừng phạt mà phương Tây ban hành với Nga liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine có thể giúp Trung Quốc mở rộng thị phần bán vũ khí ở châu Phi.
Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất cho khu vực châu Phi, nhưng việc phương Tây áp đặt liên tiếp lệnh trừng phạt với Moscow liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine có thể giúp Trung Quốc hưởng lợi khi mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí sang lục địa đen.
Sau khi Tổng thống Vladimir Putin hạ lệnh triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Mỹ và nhiều nước châu Âu liên tục ban hành các lệnh cấm và giới hạn tài chính nhằm gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất thiết bị quốc phòng của Nga.
Trung Quốc được cho hưởng lợi từ lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine. (Ảnh: Atlantic Council) |
Các phân tích cho thấy Nga cung cấp hơn 1/2 vũ khí bán cho châu Phi. Nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho khu vực châu Phi là Pháp và theo sau là Mỹ và Trung Quốc. Nhưng doanh thu bán vũ khí của Nga cho châu Phi cũng cao hơn gấp 2 lần so với Pháp.
Ông Joseph Siegle, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia ở Washington, nhận định các khách hàng lớn nhất của Nga ở châu Phi gồm có Algeria, Ai Cập, Sudan và Angola.
“Doanh thu của Nga tăng đáng kể sau khi Moscow có những nỗ lực đặt nền móng ở Bắc Phi. Ngoài việc ủng hộ cho Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền đông Libya, Nga còn thiết lập sự hiện diện ở bờ nam NATO nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ở đông Địa Trung Hải, và giúp Moscow nắm thế kiểm soát các tuyến đường trọng yếu trên toàn cầu ở kênh đào Suez và Bab al-Mandab, eo biển nằm giữa sừng châu Phi và bán đảo Ả Rập”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Siegle.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã thâm nhập vào châu Phi bằng cách cung cấp vũ khí cho nhiều khách hàng lớn của Nga như Nigeria và Ethiopia với xe bọc thép và máy phóng rocket.
Nhưng Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường buôn bán vũ khí ở châu Phi. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn từ năm 2000 – 2018, Trung Quốc chỉ chiếm 7,5% toàn thị trường châu Phi. Tuy nhiên, một số nước ở lục địa đen gồm Mozambique, Zimbabwe, Tanzania và Zambia lại xem Trung Quốc là “nhà xuất khẩu được lựa chọn”.
Trong khi đó, từ năm 2017 – 2021, Nga chiếm 44% thị phần trên thị trường nhập khẩu vũ khí cỡ lớn ở châu Phi, theo sau là Mỹ 17%, Trung Quốc 10% và Pháp là 6,1%. Nhưng dữ liệu của SIPRI lại không thống kê các loại vũ khí quy mô nhỏ và hạng nhẹ, lĩnh vực mà Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn.
Ông John Calabrese, người đứng đầu Dự án Trung Đông – châu Á tại Đại học Mỹ ở Washington, cho hay trong hơn 5 năm qua cuộc cạnh tranh doanh thu bán vũ khí ở châu Phi đang gia tăng với quốc gia mua nhiều nhất là Ai Cập cũng đang cố gắng đa dạng nguồn cung.
“Tôi biết có một vài quốc gia đang nằm trong danh sách những khách hàng lớn nhất của Nga và Trung Quốc mà cụ thể là Algeria và Angola. Như ở Ai Cập, Nga hiện chiếm thị phần bán vũ khí lớn hơn so với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tận dụng việc Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt và giới hạn tài chính để tăng doanh thu”, ông Calabrese nói.
Song theo ông Calabrese, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thực sự trở thành nhà cung cấp vũ khí thế chân cho Nga ở châu Phi được hay không. Thứ nhất là do trong nhiều năm qua, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí cho quân đội Trung Quốc. Thứ hai, Pháp có thể nhân cơ hội thế chân Nga mà cụ thể là ở thị trường Ai Cập. Thứ ba, liệu Trung Quốc có thể đưa ra giá cả và mức chiết khấu ưu đãi đủ để thu hút người mua.
Trung Quốc lấp khoảng trống
Ông Moses B. Khanyile, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho hay với sự hiện diện quy mô lớn của vũ khí Nga ở châu Phi, các lệnh trừng phạt đang được ban hành với Moscow sẽ khiến hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu thiết bị gặp khó khăn.
Cũng theo ông Khanyile, khoảng trống của Nga có thể được lấp đầy bởi Trung Quốc. Do ngoài Pháp, Đức và Mỹ, Nga và Trung Quốc là 2 quốc gia nằm trong Top 5 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới khi chiếm tới 76% thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2016 – 2020.
“Rõ ràng các quốc gia khác sẽ thay thế Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí quy mô lớn cho châu Phi”, ông Khanyile nhận định.
Cũng theo ông Khanyile, Trung Quốc dường như sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất bởi các hợp đồng mua bán vũ khí hiện thời có thể được hỗ trợ nhờ mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà Bắc Kinh sẵn có với nhiều nước châu Phi.
Trung Quốc cũng đã đặt nền tảng là nhà cung cấp vũ khí cho châu Phi trước khi Nga tấn công quân sự Ukraine, theo ông Luke Patey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch.
“Các tập đoàn buôn bán vũ khí như Norinco và Poly Group đang giúp châu Phi đa dạng nguồn cung vũ khí ngoài Nga, Pháp và Mỹ. Các nước châu Phi đang mua mọi thứ từ xe bọc thép cho tới máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc, nhưng đa phần vẫn là vũ khí quy mô nhỏ và hạng nhẹ”, ông Patey nói.
Giáo sư David Shinn tại Trường Các mối quan hệ quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington, nhận định “cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc chuyển giao vũ khí cho các nước châu Phi do tác động của lệnh trừng phạt, vấn đề với chuỗi cung ứng, cùng nhu cầu sản xuất vũ khí cho quân đội Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine. Đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc và nhiều nhà sản xuất vũ khí giá rẻ khác lấp khoảng trống của Nga”.
Nghiên cứu vào năm 2020 của nhà nghiên cứu Jyhjong Hwang tại Đại học bang Ohio của Mỹ cũng chỉ ra rằng, Zambia đang là khách hàng lớn nhất ở châu Phi vay vốn của Trung Quốc để mua vũ khí.
Cụ thẻ, trong tổng số 1,5 tỉ USD Trung Quốc cung cấp cho các nước châu Phi vay để mua vũ khí trong giai đoạn từ năm 2000 – 2017, 600 triệu USD được chi cho Zambia. Hiện Zambia đang sử dụng nhiều loại máy bay do Trung Quốc sản xuất gồm tiêm kích H-6, máy bay MA60, máy bay bận tải Y-12 và trực thăng chiến đấu. Ngoài ra, Trung Quốc còn hỗ trợ huấn luyện phi công cho Zambia.
Trung Quốc 'đứng ngồi không yên' về loại vũ khí Mỹ đang chuyển cho Ukraine
Loại UAV đang được Mỹ chuyển cho Ukraine để chống lại quân đội Nga hiện nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)