NATO 'tiến thoái lưỡng nan' trước căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ
Những tranh cãi về hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải đã leo thang trong những tuần gần đây và đặt NATO ở thế "tiến thoái lưỡng nan".
Mỏ khí đốt mới sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với Nga
Theo tờ Al Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn cần nhau trong một số vấn đề từ Syria đến Libya và an ninh ở Biển Đen.
Theo tờ Le Monde của Pháp, trong khi căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải tiếp tục gia tăng thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đại diện là Tổng thư ký Jens Stoltenberg tiếp tục đảm bảo rằng căng thẳng có thể được xoa dịu và các bên sẽ có thể đạt được một thỏa hiệp.
Le Monde nhận định do lo sợ mất một đồng minh hùng mạnh như Thổ Nhĩ Kỳ khiến NATO không muốn can thiệp vào cuộc xung đột. Trong khi đó, Ankara tiếp tục chính sách hiếu chiến, lợi dụng sự nghi ngờ và bất lực của NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp. (Ảnh: Reuters) |
“NATO đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử”, Le Monde dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết. Tuy nhiên, như tờ báo nhấn mạnh, tại trụ sở của liên minh, quan điểm chính thức vẫn giữ nguyên: “Xích mích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải vẫn có thể được giải quyết êm đẹp”.
Căng thẳng gia tăng bắt đầu vài tuần trước và lên đến đỉnh điểm vào ngày 10/8, khi Ankara cử tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis, được hộ tống bởi các tàu chiến tới nơi Athens tự xưng là “quê hương của mình”. Hy Lạp coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ba tháng trước và mới đây tiếp tục nhấn mạnh tìm kiếm sự đồng thuận, lưu ý rằng không ai muốn “bỏ rơi” Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Stoltenberg cũng tin rằng Ankara không có giải pháp thay thế thực sự cho NATO, với một “luận điệu chống châu Âu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang ngày càng xa lánh Liên minh châu Âu (EU)”. Đồng thời, nếu chiến lược của ông Erdogan rơi vào tay Nga, vốn muốn làm suy yếu phương Tây thì Thổ Nhĩ Kỳ không nên quên rằng Ankara cũng là đối thủ chính của Moscow ở Libya hoặc Syria.
“Các nhà lãnh đạo NATO giả vờ bình tĩnh, nhưng thực tế các “ông lớn” không che giấu sự lo lắng”, Le Monde nhận định. “Ở một sự cố nhỏ nhất, cuộc khủng hoảng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai quốc gia thành viên tham gia liên minh cùng nhau và nằm ở trung tâm của khu vực quan trọng chiến lược ở cửa ngõ Balkan và Trung Đông thực sự có thể gia tăng”, một nguồn tin ngoại giao bình luận. Theo Le Monde, cuộc tập trận mới do Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ phát động vào ngày 29/8 khó có thể giúp làm dịu tình hình.
Đối mặt với căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, ông Stoltenberg tỏ ra ngưỡng mộ Đức, nước đang cố gắng đóng vai trò làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột. Chẳng hạn, Đức đã tức giận khi Pháp quyết định gửi lực lượng quân sự đến hỗ trợ Hy Lạp và Síp tập trận, sau đó kêu gọi cả ba các nước “tránh leo thang căng thẳng”.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Berlin, tuần trước, ông Erdogan đã bác bỏ mọi khả năng thỏa hiệp với Athens về các vùng đặc quyền kinh tế và tiếp tục kiên quyết giới hạn lãnh hải của Hy Lạp, điều này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận một số khu vực hàng hải. “Viễn cảnh các biện pháp trừng phạt sắp tới của EU sẽ chỉ củng cố cho quyết tâm của Ankara”, Le Monde nhấn mạnh.
Ngay cả các thành viên NATO ôn hòa nhất cũng đặt câu hỏi liệu ông Erdogan có giới hạn bản thân ở bất kỳ điều gì trong tuyên bố của mình hay không, trong khi chính quyền ông Trump kiềm chế mọi hình thức can thiệp. “Liệu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự muốn một giải pháp thương lượng ở Địa Trung Hải? Điều này là không thể xác định”, cựu Đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ Marc Pierini cho biết.
Theo nhà ngoại giao, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang khá căng thẳng, các cuộc thăm dò cho thấy đánh giá thấp đối với đảng cầm quyền và sức ép từ các đồng minh là rất lớn.
Theo các nguồn tin của Le Monde, NATO cần khẩn trương làm rõ tình hình vì có rất nhiều điều đáng lo ngại. Thứ nhất, tính toàn vẹn của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, vốn vẫn đang bị đe dọa từ việc triển khai các hệ thống S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga. Nếu tổ hợp S-400 thứ hai bắt đầu hoạt động thì việc Ankara tham gia vào các hoạt động của NATO, đặc biệt là ở Đông Âu sẽ bị đặt dấu hỏi. Cùng với đó là việc triển khai radar cảnh báo sớm của NATO ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, vốn sẽ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp tên lửa đạn đạo bị tấn công cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn có một căn cứ hoạt động cho máy bay phát hiện và dẫn đường bằng sóng vô tuyến ở trung tâm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một căn cứ không quân ở Incirlik được sử dụng bởi Không quân Mỹ.
Le Monde cho biết, trước mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc mua tổ hợp S-400 của Nga vào cuối năm 2019, Ankara đã ám chỉ việc trục xuất quân đội Mỹ khỏi nước này. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các máy bay không người lái có vũ trang tới Cộng hòa Bắc Síp của Thổ Nhĩ Kỳ, và hy vọng sẽ sớm hạ thủy tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên ở Địa Trung Hải cũng như đang phát triển chương trình 6 tàu ngầm.
Mới đây, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố EU sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới.
Thanh Bình (lược dịch)