Mỏ khí đốt mới sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ quay lưng với Nga
Theo tờ Al Jazeera, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn cần nhau trong một số vấn đề từ Syria đến Libya và an ninh ở Biển Đen.
Theo đó, việc phát hiện ra mỏ khí đốt mới ở Biển Đen sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ độc lập hơn và củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán năng lượng, nhưng không làm tổn hại đến hợp tác giữa hai nước.
Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo nước này đã phát hiện ra trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới ở Biển Đen với khối lượng 320 tỉ mét khối. Ông Erdogan cho biết, dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng đây mới chỉ là một phần trong một mỏ còn lớn hơn. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng phát hiện này sẽ giúp Ankara giải quyết triệt để các vấn đề về năng lượng.
Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu và các lĩnh vực mới sẽ được khám phá ở phía trước.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiêu thụ rất nhiều khí đốt tự nhiên và Nga luôn là nhà cung cấp chính, chiếm hơn một nửa nguồn cung cấp. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, tỷ trọng này đã giảm, gần một phần tư lượng khí đốt bắt đầu đến từ Azerbaijan.
Mỏ khí đốt mới mở ra cơ hội hợp tác năng lượng với Nga. (Ảnh: Reuters) |
Các mỏ khí đốt mới mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài và thậm chí bắt đầu xuất khẩu sang châu Âu.
Theo Al Jazeera, điều quan trọng nữa là phát hiện này xảy ra ở thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang vướng vào một cuộc tranh chấp về ranh giới hàng hải ở Đông Địa Trung Hải.
“Vì vậy, sự phát triển an ninh ở Biển Đen có thể chuyển hướng chú ý khỏi các vấn đề ở Địa Trung Hải”, Al Jazeera nhận định.
Ngoài ra, Al Jazeera đề cập đến các vấn đề kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã trở nên khó khăn hơn do đại dịch. Mặc dù dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2021, nhưng những ngày mà đảng cầm quyền giành chiến thắng nhờ một nền kinh tế mạnh đã qua. Vì vậy, các khoản tiền mới sẽ không cứu được Thổ Nhĩ Kỳ khỏi mọi vấn đề. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng vẫn cần được xây dựng mới.
Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm tới sẽ có thể điều chỉnh các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp năng lượng khác, bao gồm cả Gazprom của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cơ hội để mặc cả các điều khoản tốt hơn, bao gồm cả về giá.
“Ankara sẽ có được sự linh hoạt và có tiếng nói hơn trong các mối quan hệ năng lượng quốc tế. Sản xuất khí đốt trong nước có thể định hình lại mối quan hệ chiến lược với Nga. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể cạnh tranh với Nga về các vấn đề mà ảnh hưởng lợi ích của các bên”, Al Jazeera nhấn mạnh.
“Ankara và Moscow vẫn cần nhau trong một số vấn đề từ Syria đến Libya và an ninh ở Biển Đen. Tiến tới mục tiêu đạt được độc lập về năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cân bằng giữa Nga và phương Tây, cố gắng giành được vị thế và ảnh hưởng” , Al Jazeera kết luận.
Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ phải chi tới 41 tỉ USD để nhập khẩu năng lượng đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với phát hiện đặc biệt nói trên, Ankara đang hướng đến mục tiêu bắt đầu khai thác thương mại khí đốt từ mỏ mới vào năm 2023.
Theo các chuyên gia, phát hiện lần này giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được vị thế mới trong đàm phán hợp đồng khí đốt với các nhà cung ứng trong thời gian tới, nhất là với Nga, Azerbaijan và Iran. Ngoài ra, Ankara cũng sẽ không còn phải phụ thuộc nhiều vào Mỹ về nguồn cung khí đốt trong tương lai.
Những hình ảnh chân thực về thế giới đầy biến động tuần qua
Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế 2020 (Army 2020), cơn bão Laura, biểu tình ở Belarus, bạo loạn ở bang Wisconsin,… là những sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua.
Thanh Bình (lược dịch)