Năng lực quân sự hiện đại của Nga – Trung khiến NATO 'e ngại'
NATO tăng tốc lập kế hoạch đối phó với cả Nga và Trung Quốc, giữa lúc 2 quốc gia này đạt được những thành tựu mới phát triển "siêu vũ khí".
Các Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã đồng thuận về một kế hoạch tổng thế nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Nga trên mọi mặt trận. NATO cũng nhấn mạnh, mục tiêu trọng tâm của liên minh quân sự là đối phó với Nga, dù thời gian gần đây NATO tỏ ra hướng sự tập trung vào Trung Quốc.
Kế hoạch tổng thể được các Bộ trưởng Quốc phòng NATO thông qua hôm 21/10 là bước chuẩn bị cho viễn cảnh xảy ra cuộc tấn công cùng lúc vào biển Blatic và Biển Đen bao gồm tấn công hạt nhân, tấn công mạng lưới máy tính và tấn công từ không gian.
Binh sĩ Nga tập trận chung với quân đội Uzbekistan và Tajikistan hồi tháng Tám. (Ảnh: Reuters) |
“Chúng tôi tiếp tục tăng cường sức mạnh khối liên minh bằng những kế hoạch hiện đại hóa và kỹ càng hơn”, Reuters dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, các nước thành viên đã thông qua khoản quỹ 1 tỉ USD để phục vụ quá trình phát triển các công nghệ kỹ thuật số mới.
Tuy nhiên, giới chức NATO nhấn mạnh, họ tin rằng một cuộc tấn công từ phía Nga hiện chưa thể xảy ra.
Moscow cũng phủ nhận có ý định gây hấn. Nga cáo buộc chính các kế hoạch của NATO có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực châu Âu.
Song các nhà ngoại giao lại cho rằng, kế hoạch tổng thể mang tên “Khái niệm về Ngăn chặn và Bảo vệ ở Khu vực Euro – Đại Tây Dương”, cùng bản triển khai chiến lược là cần thiết, trong bối cảnh Nga đang cho phát triển các hệ thống vũ khí hiện đại và tăng cường triển khai quân cùng vũ khí tới sát biên giới các nước đồng minh NATO.
“Đây là cách phòng thủ. Bản kế hoạch đang được thay đổi để phù hợp với thái độ gần đây của Nga. Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều hành động vi phạm không phận các nước Baltic, cũng như gia tăng xâm nhập trên Biển Đen”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer nói với đài phát thanh Deutschlandfunk.
Một quan chức Mỹ cho biết thêm, bản kế hoạch trên sẽ được chi tiết hóa vào cuối năm 2022 nhằm cho phép NATO quyết định cần đưa thêm những vũ khí gì vào sử dụng và cách bố trí quân.
Hồi tháng Năm, Nga đã huy động khoảng 100.000 binh sĩ tới khu vực biên giới giáp với Ukraine. Theo các quan chức phương Tây, đây là lần đầu tiên quân đội Nga điều động số lượng binh sĩ nhiều như vậy, kể từ khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang Nga vào năm 2014.
Tới tháng Chín, Nga sử dụng các robot chiến đấu thế hệ mới tham gia cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Belarus. Hành động này được xem là lời cảnh báo của Nga với các nước Baltic.
Hiện tại, Nga đang cho nâng cấp hoặc thay thế các hệ thống vũ trụ quân sự có từ thời Liên Xô cũ để tăng khả năng tấn công vệ tinh trong quỹ đạo. Ngoài ra, Nga còn phát triển các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo để gây gián đoạn hệ thống chỉ huy của đối phương, cùng với sự ra đời của nhiều “siêu vũ khí”.
Trong tuyên bố hồi năm 2018, Nga từng nhắc tới kế hoạch phát triển các tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân với năng lực “né tránh” hệ thống cảnh báo sớm.
Ông Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy các lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Âu từ năm 2014 – 2017, nhận định kế hoạch “Khái niệm về Ngăn chặn và Bảo vệ ở Khu vực Euro – Đại Tây Dương” có thể giúp tăng cường sự đoàn kết trong sức mạnh phòng thủ tập thể của NATO. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các nguồn lực được huy động tới vùng Biển Đen.
“Theo tôi, Biển Đen là vùng nóng hơn so với Baltic”, ông Hodges cho biết chỉ số ít quốc gia có đội quân hùng mạnh như Anh và Pháp hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đen, còn Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào chiến sự ở Syria.
Trong khi đó, ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao NATO, cho biết kế hoạch “Khái niệm về Ngăn chặn và Bảo vệ ở Khu vực Euro – Đại Tây Dương” là động thái kéo các nước thành viên NATO trở lại mục tiêu trọng tâm là đối phó với Nga. Nguyên nhân là do hiện thời, một số nước đồng minh lớn trong NATO đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và hướng tới đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh từ Trung Quốc.
“Nga hiện là sự phiền toái, nhưng không phải là mối đe dọa sắp ập tới. Song Nga lại đang có những hành động đáng lo ngại. Họ đang diễn tập với robot, và tên lửa hành trình siêu thanh thực sự là vấn đề lớn”, ông Shea kết luận.
Chuyển hướng sang Trung Quốc
Tổng thư ký NATO Stoltenberg mới đây đã có tuyên bố ám chỉ liên minh quân sự sẽ mở rộng thêm các mục tiêu cần đối phó mà trong đó có Trung Quốc.
Theo ông Stoltenberg, đối phó với mối đe dọa an ninh gia tăng từ phía Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong tương lai của NATO.
Trong bài phỏng vấn được tờ Financial Times đăng hôm 18/10, ông Stoltenberg nhấn mạnh Trung Quốc không phải là “kẻ thù”, nhưng Bắc Kinh đã tạo tác động tới an ninh châu Âu thông qua năng lực mạng, các công nghệ mới và tên lửa tầm xa. Do đó, phương thức bảo vệ các đồng minh NATO từ những mối đe dọa trên sẽ cần được đưa vào học thuyết mới của khối trong vòng 10 năm tới.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Reuters) |
Liên minh quân sự NATO đã dành hàng thập niên để tập trung đối phó với Nga và chủ nghĩa khủng bố. Tuyên bố NATO sẽ quan tâm hơn tới Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh, Mỹ dồn nguồn lực từ châu Âu sang đối phó với Bắc Kinh.
“NATO là khối liên minh ở Bắc Mỹ và châu Âu. Khu vực này đang đối mặt với các thách thức toàn cầu gồm khủng bố, an ninh mạng và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi NATO tăng cường được năng lực phòng thủ tập thể, NATO sẽ có phương thức đối phó trước sự trỗi dậy từ Trung Quốc”, ông Stoltenberg cho biết.
Ông Stoltenberg cho hay, NATO sẽ thông qua "Khái niệm chiến lược mới" trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào mùa hè năm 2022. Chiến lược này sẽ vạch ra mục tiêu hoạt động của khối liên minh quân sự trong 10 năm tới. Còn phiên bản chiến lược hiện thời được NATO thông qua hồi năm 2010 không hề đề cập tới Trung Quốc.
Hiện tại, NATO cũng đang tìm kiếm hướng đi mới sau khi kết thúc 20 năm triển khai quân tham chiến ở Afghanistan và giữa lúc các cuộc thảo luận về tương lai hoạt động của quân đội Mỹ ở châu Âu vẫn đang diễn ra.
“Trung Quốc đang tiến gần tới chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy họ ở Bắc Cực. Chúng tôi nhìn thấy họ trong không gian mạng. Chúng tôi thấy họ đang đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các nước thuộc khối liên minh. Và điều quan trọng, họ ngày càng có nhiều vũ khí hiện đại hơn và có tầm bắn vươn tới các nước liên minh. Họ cũng đang xây rất nhiều silo để chứa các tên lửa liên lục địa tầm xa”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Theo Financial Times, Trung Quốc đã cho thử nghiệm tên lửa siêu thanh có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân hồi tháng Tám. Thông tin này đã gây ngạc nhiên đối với giới tình báo Mỹ. Nó còn cho thấy, Trung Quốc đang đạt được những bước tiến nhanh trong chương trình phát triển các loại vũ khí thế hệ mới.
Tàu chiến Nga đuổi theo chiến hạm Mỹ khi đang tập trận với hải quân Trung Quốc
Nga cáo buộc khu trục hạm Mỹ cố tình xâm nhập vùng biển cấm, giữa lúc hải quân Nga - Trung đang tiến hành tập trận chung.
Minh Thu (lược dịch)