Mỹ thiệt hại lớn do từ chối dầu Nga?
Theo The Hill, việc Mỹ từ chối nhập khẩu năng lượng của Nga có thể khiến nước này thiệt hại lớn về tài chính.
“Mỹ có thể sẽ sống sót bằng cách nào đó khi ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng điều này gần như chắc chắn sẽ kéo theo những thiệt hại lớn về tài chính”, The Hill viết.
The Hill cho biết, các nguồn năng lượng của Nga chiếm hơn 8% tổng kim ngạch nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ và việc từ chối chúng sẽ dẫn đến việc tăng giá đáng kể, “ít nhất là cho đến khi các nguồn cung cấp năng lượng khác đến từ một nơi nào đó”.
Tờ báo Mỹ trích dẫn một báo cáo của JPMorgan, lưu ý rằng các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể quyết định tăng sản lượng và xuất khẩu dầu sang Mỹ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng thay thế nguồn cung của Nga cho Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm nhập khẩu dầu khí Nga. (Ảnh: Reuters) |
Ông Morgan Bazilian, Giám đốc Viện Payne (Colorado, Mỹ) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn phẩm này, “các nhà cung cấp năng lượng Trung Đông không tìm cách giúp Washington đối phó với hậu quả của các lệnh trừng phạt chống Nga”.
“Theo như tôi hiểu, nhóm của ông Biden đã gọi điện cho Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác. Nhưng đòn bẩy ngoại giao dành cho người Mỹ ở những quốc gia này là có hạn và họ tỏ ra không muốn khuất phục trước áp lực của Mỹ”, ông Bazilian nói.
Cũng theo The Hill, quan hệ của chính quyền ông Biden với Riyadh đã nguội lạnh do phản ứng của đảng Dân chủ về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman gần đây tuyên bố rằng ông “không quan tâm đến ý kiến của ông chủ Nhà Trắng”.
Ngoài ra, ông Basilian cũng gọi đây là “sai lầm lớn” khi quan điểm rằng việc Washington rút khỏi dầu mỏ của Nga có thể dẫn đến “sự độc lập về năng lượng” của Mỹ.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã nhấn mạnh một ngày trước đó, việc từ chối dầu của Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho thị trường thế giới và khiến giá tăng vọt lên 300 USD/thùng hoặc hơn.
Ông Trump cáo buộc châu Âu
Cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng, châu Âu đang “lợi dụng” Mỹ trong vấn đề cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.
“Nhiều người cho rằng hầu hết các nước châu Âu sẽ không theo chân Mỹ tẩy chay dầu khí của Nga. Như mọi khi, Mỹ giữ vững ý kiến của mình và châu Âu đang tận dụng điều này miễn là chúng bảo vệ quyền lợi của họ. Trong khi chúng ta tin rằng tất cả mọi người cùng theo ông Biden trong cuộc chiến chống năng lượng của Nga”, ông Trump nói.
Trước đó, hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga nhằm cắt nguồn thu nước ngoài quan trọng của Moscow.
“Hôm nay tôi thông báo Mỹ nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi cấm tất cả hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng Nga. Điều này có nghĩa dầu Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
Các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào dầu khí Nga nhiều hơn nên không thể áp đặt lệnh cấm tương tự. Tuy nhiên Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch cắt giảm 66% nhập khẩu khí đốt Nga trong năm nay cũng như theo đuổi mục tiêu phá bỏ thế phụ thuộc năng lượng Nga trước năm 2030. Anh cũng thực hiện lộ trình loại bỏ dần dầu mỏ và sản phẩm từ dầu của Nga trước cuối năm 2022 đồng thời cân nhắc cấm nhập khẩu khí đốt Nga.
Được biết, 40% khí đốt, 27% dầu nhập khẩu cùng 46% than nhập khẩu của EU là đến từ Nga.
Theo các nguồn tin, giới chức Mỹ đã yêu cầu Venezuela cung cấp ít nhất một phần dầu xuất khẩu cho nước này để được nới lỏng lệnh trừng phạt kinh doanh dầu do Mỹ áp lên Venezuela vào năm 2019.
Thanh Bình (lược dịch)
Tình hình Nga-Ukraine: Tổng thống Zelensky kêu gọi vòng đàm phán mới với Moscow
Trong một thông điệp video được công bố trên kênh Telegram, Tổng thống Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi đàm phán với Nga để giải quyết tình hình ở Ukraine.