Máy bay trinh sát Mỹ liên tục xuất hiện ở Biển Đông
Trong tháng Năm, Mỹ đã thực hiện 72 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) tại Bắc Kinh, trong tháng Năm, Mỹ đã tiến hành 72 chuyến bay trinh sát trên Biển Đông.
Trong tháng Tư, con số này là 65 chuyến. Số chuyến bay trinh sát qua Biển Đông trong tháng 5/2021 đã “tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái”, khi Mỹ thực hiện 35 chuyến bay vào tháng 5/2020.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Trước đây, SCSPI từng công bố số lượng kỷ lục các chuyến bay trinh sát của Mỹ trên vùng biển chiến lược với con số 70 chuyến hồi tháng Một và 75 chuyến vào tháng Hai. Trong số các chuyến bay qua Biển Đông vào tháng Năm, máy bay của hải quân Mỹ thực hiện 57/72 sứ mệnh, còn lại là không quân Mỹ.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping nhận định, các chuyến bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông đang dần được bình thường hóa.
“Năng lực của quân đội Trung Quốc vẫn tiếp tục được cải thiện khiến quân đội Mỹ càng phải lo lắng. Nói cách khác, quân đội Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng chiến đấu. Do đó, Mỹ cần tăng cường các chuyến bay trinh sát nhằm vào quân đội Trung Quốc”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Song.
Vào thời điểm khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan hồi tháng Năm, 1 máy bay trinh sát và tuần tra chống ngầm cùng 1 máy bay tình báo của Mỹ cũng được phát hiện bay qua Biển Đông. Theo SCSPI, các máy bay của Mỹ “có thể cung cấp thông tinh tình báo để hỗ trợ hoạt động của tàu chiến”.
Về phần mình, Bắc Kinh lên tiếng cáo buộc sự xuất hiện của tàu USS Curtis Wilbur ở eo biển Đài Loan là hành động “khiêu khích” và “gửi đi tín hiệu gây hiểu lầm” cho các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan.
Cũng trong tháng Năm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cho tăng cường các hoạt động trinh sát gần bờ biển Trung Quốc. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump, hoạt động của các tàu chiến Mỹ tăng 20% và máy bay tăng 40% bên trong và quanh các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, hồi tháng Tư, trong bài phát biểu lần đầu tiên ở Quốc hội, ông Biden tuyên bố mối quan hệ Mỹ - Trung là cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ định hình thế kỷ. Ông Biden khẳng định, “duy trì sự hiện diện quân sự quy mô lớn” ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “không phải vì bắt đầu một cuộc xung đột mà là ngăn chặn xung đột”.
Hồi tuần trước, Bắc Kinh một lần nữa nhấn mạnh Mỹ nên thể hiện “sự chân thành” trong hoạt động cải thiện đối thoại giữa quân đội hai nước.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn cảnh báo rằng, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ “đang đẩy khu vực vào con đường nguy hiểm”, khi mà Mỹ tăng cường hoạt động trinh sát nhằm vào Trung Quốc, cũng như việc tàu chiến hai nước đối mặt ở khoảng cách gần thời gian gần đây.
“Từ lâu, quân đội Mỹ - Trung vẫn duy trì liên lạc thông qua các kênh bao gồm đường dây đối thoại trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei nói hôm 27/5.
“Chúng tôi hối thúc Mỹ nói đi đôi với làm, thể hiện thành ý và thỏa hiệp với phía Trung Quốc để tăng cường đối thoại và liên lạc để từ đó giải quyết bất đồng một cách hợp lý”, ông Tan nói thêm.
Hé lộ hoạt động từ tàu sân bay ‘khủng nhất’ của Anh trước khi tới Biển Đông
Nữ hoàng Elizabeth đã lên thăm tàu sân bay “khủng nhất” HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh trước khi con tàu lên đường tới Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)