Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn, các 'ông lớn' quan ngại về căng thẳng Armenia-Azerbaijan
RIA trích nguồn tin trong Hội đồng Bảo an LHQ cho hay, theo yêu cầu của Anh, Đức, Pháp, Estonia và Bỉ, các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình trong khu vực xung đột Armenia-Azerbaijan sẽ chính thức được lên lịch vào hôm 29/9.
Theo đó, nguồn tin cho biết, cuộc họp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau cuộc thảo luận về Syria.
Hội đồng Bảo an LHQ và ‘ông lớn’ lên tiếng tình trạng căng thẳng ở Nagorno-Karabakh. (Ảnh: RIA) |
Anh, Canada và Điện Kremlin bình luận về tình trạng căng thẳng ở Nagorno-Karabakh
Theo tuyên bố chung của các bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominique Raab và người đồng cấp Canada François-Philippe Champagne lo ngại về tình hình ở Nagorno-Karabakh và kêu gọi các bên chấm dứt thù địch ngay lập tức.
“Canada và Anh quan ngại sâu sắc về các báo cáo về các cuộc xung đột quy mô lớn dọc theo đường liên lạc ở Nagorno-Karabakh. Các báo cáo về vụ pháo kích vào các khu định cư và thương vong dân sự làm cho tình trạng nghiêm trọng. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, tuân thủ lệnh ngừng bắn và bảo vệ dân thường”, thông cáo báo chí trên trang web của chính phủ Anh.
Hai nhà ngoại giao Raab và Champagne cũng nói rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột nên dựa trên cơ sở “bất bạo động” và kêu gọi các bên thực hiện “một giải pháp hòa bình, được đồng ý trong dưới sự bảo trợ của các đồng chủ tịch Nhóm OSCE Minsk”.
Theo thư ký báo chí của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov, Điện Kremlin kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh. “Chúng tôi tiếp tục chăm chú theo sát tình hình, chúng tôi tin rằng các hành động thù địch cần được chấm dứt ngay lập tức và quá trình giải quyết cuộc xung đột nói chung, cũng như hậu quả của tình hình gia tăng căng thẳng hiện nay cần được chuyển theo hướng sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao”, ông Peskov nói.
Ngoài ra, ông Peskov lưu ý tình hình trên tuyến đường liên lạc ở khu vực Nagorno-Karabakh là “nguyên nhân gây ra mối quan ngại nghiêm trọng của Moscow và nhiều nước khác”.
“Ngay từ những giờ đầu tiên sau khi tình hình trở nên trầm trọng hơn, Ngoại trưởng Lavrov đã tiếp xúc với cả hai đồng nghiệp từ Yerevan và Baku. Ngoài ra, theo sáng kiến của phía Armenia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia”, ông Peskov cho biết thêm.
Armenia hạn chế xuất cảnh của nam giới từ 18 đến 55 tuổi
Sputnik Armenia trích thông tin từ Ủy ban Hàng không Dân dụng Armenia cho biết, tại Armenia các hạn chế đã được đưa ra đối với việc rời khỏi đất nước của nam giới từ 18 đến 55 tuổi do thiết quân luật hiện hành.
“Ở Armenia, nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 55 chỉ có thể rời khỏi đất nước khi có sự cho phép bằng văn bản của các cơ quan quân sự”, cơ quan này báo cáo.
Vào thứ Sáu (25/9), theo truyền thông địa phương, hàng chục xe buýt với các tình nguyện viên từ Armenia đang đến Stepanakert ở Nagorno-Karabakh.
Azerbaijan tố cáo Armenia pháo kích vào đường liên lạc ở Nagorno-Karabakh
Theo Đại tá Vagif Dargyahli, người đứng đầu cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan, lực lượng vũ trang Armenia đang pháo kích vào các khu định cư ở vùng Goranboy của Azerbaijan trên đường liên lạc ở Karabakh.
“Đối phương đã pháo kích vào các làng Yukhari Agjakend và Garamusaly trong vùng Goranboy. Cơ sở hạ tầng dân sự không bị thiệt hại nghiêm trọng. Không có thương vong trong dân làng. Các đơn vị chúng tôi đang thực hiện các biện pháp trả đũa tương xứng đối với địch thủ”, ông Dargyahli nói.
Trước đó, hôm 28/9, Baku báo cáo rằng 26 dân thường bị thương trong cuộc pháo kích do hậu quả của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan lưu ý rằng Armenia đã chọn các trung tâm khu vực và nông thôn, các cơ sở hạ tầng dân sự làm vỏ bọc.
Hôm 27/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã khởi xướng cuộc tấn công vào Nagorno-Karabakh. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Armenia đã nổ súng vào các khu định cư trên đường liên lạc ở Karabakh.
Sáng cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo bắt đầu chiến dịch quân sự dọc theo toàn bộ đường liên lạc trong khu vực xung đột Karabakh. Theo Bộ này, một chiến dịch phản công đang được thực hiện nhằm đáp trả các hành động khiêu khích từ phía Armenia.
Xung đột ở Karabakh bắt đầu vào tháng 2/1988, Armenia và Azerbaijan luôn trong tình trạng đối đầu về vùng biên giới Nagorno-Karabakh tranh chấp. Khu tự trị Nagorno-Karabakh đã tuyên bố tách khỏi Azerbaijan. Trong thời kỳ xung đột 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận.
Vì sao Nga, EU, NATO lên tiếng về căng thẳng Nagorno-Karabakh?
Hôm 27/9, trước tình hình căng thẳng ở Nagorno-Karabakh, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ngừng bắn ngay lập tức.
Thanh Bình (lược dịch)