Hội đàm Tổng thống Putin-Biden: Những điểm ‘nóng’ nào được thảo luận?
Điện Kremlin cho biết, các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden diễn ra thẳng thắn và mang tính chất công việc.
“Các tổng thống bày tỏ quan điểm rằng, với trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì an ninh và ổn định quốc tế, Nga và Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại cũng như tổ chức các cuộc tiếp xúc cần thiết”, thông báo cho biết sau cuộc họp.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo nhắc lại khối đồng minh của các nước trong Chiến tranh thế giới thứ hai và nhấn mạnh những hy sinh sau đó không nên bị lãng quên và bản thân khối này phải là một tấm gương để làm việc trong thực tế hiện đại.
Cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden chủ yếu xoay quanh vấn đề Ukraine. (Ảnh: RIA) |
Thư ký Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng cần phải nỗ lực bình thường hóa quan hệ và phát triển hợp tác hơn nữa.
Các cuộc đàm phán diễn ra thông qua một liên kết video kín và kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Các nhà báo chỉ được xem những khung hình đầu tiên của cuộc hội đàm, nơi các nguyên thủ quốc gia chào nhau và trao đổi một số nhận xét.
Tình hình Ukraine
Theo Điện Kremlin, ông Biden thu hút sự chú ý đến tính chất “đe dọa” của việc di chuyển của quân đội Nga đến gần biên giới Ukraine và vạch ra các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh có thể áp dụng trong trường hợp tình hình leo thang hơn nữa.
“Tổng thống Putin với những ví dụ cụ thể đã minh họa cho đường lối thiếu hợp tác của Kiev, nhằm mục đích phá bỏ hoàn toàn các thỏa thuận Minsk và các thỏa thuận đạt được ở định dạng Normandy. Điều này bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các hành động khiêu khích của Ukraine đối với Donbass”, Điện Kremlin cho hay.
Vấn đề với NATO
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, không nên chuyển trách nhiệm lên vai Moscow, vì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thực hiện những nỗ lực nguy hiểm để hiện diện trên lãnh thổ Ukraine và đang xây dựng tiềm lực quân sự tại biên giới với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP) |
“Nga thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo đáng tin cậy về mặt pháp lý, ngoại trừ việc mở rộng của NATO ở hướng đông và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia láng giềng với Nga”, ông Putin nói.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cử đại diện bắt đầu tham vấn thực chất về những vấn đề này.
Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) cho chương trình hạt nhân Iran
Tình hình các vấn đề xung quanh Kế hoạch hành động toàn diện chung cho chương trình hạt nhân Iran đã được các tổng thống xem xét.
Các tổng thống bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán về JCPOA được nối lại tại Vienna vào cuối tháng 11, sẽ có thể đạt được các giải pháp mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận được.
Mâu thuẫn của các nhà ngoại giao
Theo Điện Kremlin, phía Nga đề xuất hủy bỏ tất cả các hạn chế trước kia đối với hoạt động của các cơ quan ngoại giao, vốn có thể phục vụ cho việc bình thường hóa các khía cạnh khác của quan hệ song phương.
Các tổng thống cho biết, hợp tác song phương “vẫn chưa đạt yêu cầu” thể hiện cụ thể là trong những khó khăn mà các cơ quan đại diện ngoại giao của cả hai nước đang gặp phải trong công việc.
“Ông Putin nhấn mạnh rằng tất cả những điều này là hậu quả của đường lối của chính quyền Mỹ, mà cách đây 5 năm đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế quy mô lớn, cấm và trục xuất hàng loạt các nhà ngoại giao Nga”, thông báo cho biết.
Vấn đề tội phạm mạng
Tổng thống Putin-Biden cũng bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực tố tụng hình sự và hoạt động kỹ thuật của cuộc chiến chống tội phạm mạng.
Ukraine ‘cầu cứu’ nhưng Canada không trả lời
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov cho biết, Mỹ, Anh và Canada nên triển khai quân đội đến nước này, đặc biệt là ở khu vực biên giới, tuy nhiên mới đây Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Canada từ chối gửi quân đến Ukraine.
Thanh Bình (lược dịch)