Hé lộ thông tin về hệ thống radar 'khủng' trên đỉnh núi của Trung Quốc
Hệ thống radar cỡ lớn của Trung Quốc được tiết lộ đã đi vào sử dụng một thời gian, và chuyên giám sát dàn tên lửa trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc xác nhận hệ thống radar cỡ lớn xuất hiện ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc từng được hình ảnh vệ tinh chụp được là nhằm giám sát hoạt động của các loại tên lửa ở đông bắc Á.
Trước đó, hồi tháng Hai, công ty hình ảnh vệ tinh thương mại Maxar Technologies của Mỹ đã chụp được bức ảnh về hệ thống radar ở tỉnh Sơn Đông và cho công bố trên Google Earth.
Hệ thống radar của Trung Quốc giám sát dàn tên lửa trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. (Ảnh: Maxar Technologies) |
Thông tin vị trí ghi trên bức ảnh cho thấy hệ thống radar "khủng" nằm trên đỉnh núi ở huyện Nghi Nguyên của tỉnh Sơn Đông. Đây là khu vực nhìn ra bán đảo Triều Tiên. Hướng hoạt động của radar là phía đông bắc. Hệ thống này được xây dựng sau tháng 11/2019.
“Đây là radar mảng pha cỡ lớn được sử dụng để giám sát các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nguồn tin.
Hệ thống radar đã được sử dụng vài lần, nhưng thông tin về thời gian xây dựng và bắt đầu hoạt động không được tiết lộ, nguồn tin nói thêm.
Các radar mảng pha là một phần tích hợp trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa và mạng lưới theo dõi vũ trụ của Trung Quốc.
Những radar này là một hệ thống kiểm soát bằng máy tính có thể theo dõi nhiều mục tiêu từ khoảng cách xa.
Ngoài ra, một radar mới đang được xây dựng gần đó và hướng hoạt động là phía nam để có thể giám sát hoạt động của dàn tên lửa Đài Loan. Theo trang web Defence News của Mỹ, các hình ảnh vệ tinh của Google Earth cho thấy một radar cũ được xây dựng trong năm 2013 hoặc 2014.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng loạt hệ thống radar mảng pha từ thập niên 70 và đẩy mạnh đầu tư vào nâng cấp trong quá trình thực hiện chương trình hiện đại hóa quân sự.
Thông tin về hệ thống radar cỡ lớn ở tỉnh Sơn Đông được công bố giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang gia tăng sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.
Đặc biệt vào cuối tháng Ba, chính quyền Bình Nhưỡng cho thực hiện vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm xa. Đây là vụ phóng ICBM đầu tiên được Triều Tiên tiến hành kể từ năm 2017. Cụ thể, Triều Tiên thông báo đã phóng thử thành công ICBM thế hệ mới nhất và cỡ lớn nhất mang tên Hwasong-17 vào ngày 24/3.
Song giới chức Hàn Quốc lại khẳng định vụ phóng Hwasong-17 lần đầu tiên của Triều Tiên là vào ngày 16/3 và đã thất bại. Còn vào ngày 24/3, Triều Tiên cho phóng tên lửa phiên bản cũ hơn là Hwasong-15.
Nhiều dấu hiệu còn cho thấy Triều Tiên sẽ tiếp tục thực hiện thêm những cuộc thử nghiệm hạt nhân khác trong thời gian tới. Trong năm nay, Triều Tiên đã thực hiện 12 lần phóng thử tên lửa và riêng trong tháng Một là 7 vụ phóng.
Truyền thông Triều Tiên đưa tin nước này đã thực hiện 3 vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh.
Theo Bloomberg, dù tuyên bố phóng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên còn bị hoài nghi, nhưng rõ ràng về biểu tượng, đây được xem là bước ngoặt trong chương trình phát triển vũ khí của quốc gia này.
Trong hơn 2 năm qua, ông Kim đã chú trọng vào phát triển các loại tên lửa có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các nước đồng minh. Động thái này còn nhằm chứng minh nếu Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên, cái giá phải trả cũng sẽ rất đắt.
Đáp lại, Nhật Bản tuyên bố nước này có kế hoạch nâng cấp và mở rộng phạm vi hoạt động của các tên lửa hành trình để có thể tấn công những mục tiêu nằm cách xa 1.000 km. Theo Nikkei, mục tiêu của Nhật Bản là triển khai những tên lửa trên vào nửa sau của thập niên này.
Nhiều chiến hạm 'khủng nhất' của Trung Quốc xuất hiện gần tàu sân bay Mỹ
Bốn khu trục hạm "khủng nhất" của Trung Quốc có mặt gần nơi quân đội Mỹ - Nhật tập trận ngoài bán đảo Triều Tiên.
Minh Thu (lược dịch)