Hé lộ những 'kẻ thất bại' khi can thiệp vào Nord Stream 2
Ông Igor Yushkov, chuyên gia phân tích tài chính của Quỹ an ninh năng lượng quốc gia, Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Nga mới đây đã giải thích ai sẽ là người bị thiệt hại nhiều nhất sau khi Nord Stream 2 ra mắt.
Theo ông Yushkov, bên thua sẽ là các quốc gia có lợi ích thương mại riêng trong việc vận chuyển khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU).
“Ukraine và Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc vận hành Nord Stream 2. Ukraine sẽ mất việc vận chuyển khí đốt, và Mỹ sẽ không thể bán khí đá phiến cho châu Âu”, ông Yushkov chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ NSN.
Chuyên gia này lưu ý rằng Ukraine hiện là một quốc gia trung chuyển khí đốt và Gazprom không thể thực hiện các nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng châu Âu nếu không sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này. Nhưng sau khi khởi động Nord Stream 2, công ty sẽ có sự lựa chọn và Kiev sẽ bắt đầu bị mất các hợp đồng vận chuyển khí đốt.
Washington ra sức phản đối dự án vì muốn xúc tiến cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ sang châu Âu. (Ảnh: Nord Stream 2) |
Ông Yushkov cho rằng sau khi hết hạn hợp đồng hiện tại, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ dừng lại. Theo ông Yushkov, tuyến đường qua Ukraine tốn kém và bất tiện về địa lý cũng như bản thân hệ thống truyền dẫn khí của nước này đã rất cũ.
Mới đây, Phó Tổng giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Alexey Grivach cho biết, Nord Stream 2 sẽ được hoàn thành, mặc dù có rất ít hy vọng về việc Mỹ sẽ từ bỏ cố gắng làm gián đoạn dự án.
Trong cuộc họp báo thường niên 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết khoảng 165 km đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vẫn đang được xây dựng và ông cho rằng dự án sẽ hoàn thành. Đồng thời, ông Putin bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ không gây áp lực lên các đối tác châu Âu của dự án và sẽ hành động theo phương thức cạnh tranh công bằng.
“Tôi đồng ý với Tổng thống về việc hoàn thành dự án. Công việc này sẽ được hoàn thành. Việc chưa đưa ra thời hạn cụ thể cũng khá hợp lý. Thứ nhất, chúng ta không có thời hạn cụ thể cần phải hoàn thành trong tương lai gần. Và thứ hai, hoạt động quân sự-chính trị của quốc gia bá quyền đang được thực hiện nhằm chống dự án. Do đó, công việc đang được tiến hành một cách thầm lặng”, ông Grivach cho biết.
Phó Tổng giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia cho biết thêm: “Đồng thời, tôi không chia sẻ hy vọng rằng Mỹ sẽ từ bỏ chính sách trừng phạt đối với Nord Stream 2. Mỹ đã áp dụng chính sách trừng phạt một cách thận trọng và liều lĩnh”.
Trước đó, Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu Christopher Robinson, khi phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng Đại Tây Dương nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế đối với đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga cho đến khi dự án bị “chặn đứng hoàn toàn”.
“Các biện pháp trừng phạt đang phát huy hiệu quả và chúng tôi sẽ chặn đứng đường ống này. Chúng tôi không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng chúng tôi sẽ sử dụng các quyền hạn và công cụ này để dừng dự án”, ông Robinson nói.
Nhà ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ quan điểm rằng việc ngăn chặn hoàn thành thi công đường ống sẽ đóng vai trò then chốt để cải thiện quan hệ Nga - Mỹ.
Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell), dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.
Dự án liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhà đầu tư Nord Stream 2 kêu gọi khẩn trương hoàn thành dự án
Der Spiegel đưa tin, các nhà đầu tư của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đã nhận được thông tin về việc tiếp tục xây dựng dự án.
Thanh Bình (lược dịch)