Ấn Độ trao trả binh sĩ Trung Quốc đi lạc ở biên giới tranh chấp
Binh sĩ Trung Quốc đi lạc vào vùng biên giới do Ấn Độ kiểm soát đã được trao trả cho quân đội Trung Quốc vào sáng sớm nay (21/10).
Tờ PLA Daily xác nhận, một binh sĩ Trung Quốc không may đi vào vùng biên giới do Ấn Độ kiểm soát trên dãy Himalaya đã được quân đội Ấn Độ trao trả cho phía Trung Quốc vào sáng sớm nay (21/10).
Trước đó, phía Bắc Kinh cho hay binh sĩ Trung Quốc bị lạc đường khi giúp một nông dân đi tìm con bò Tây Tạng của người này tại khu vực dọc đường biên giới Trung - Ấn vào đêm ngày 18/10. Trung Quốc đã ngay lập tức thông báo cho phía Ấn Độ để nhờ tìm kiếm quân nhân mất tích đồng thời yêu cầu trao trả binh sĩ cho quân đội Trung Quốc, Tướng Zhang Shuili, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ nhấn mạnh vào đêm ngày 19/10.
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn bùng phát sau vụ xung đột đẫm máu hồi tháng Sáu. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu) |
Sau đó, Ấn Độ thông báo với Trung Quốc rằng, quân nhân Trung Quốc mất tích đã được tìm thấy và sẽ sớm được trao trả cho phía Trung Quốc sau khi được kiểm tra y tế.
Cụ thể, quân đội Ấn Độ cho hay hạ sĩ Wang Ya Long của quân đội Trung Quốc đã có mặt trong khu vực Demchok thuộc vùng Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Khu vực này nằm gần một trong những ngôi làng của Ấn Độ trước khi tiến tới Đường Kiểm soát thực tế (LAC).
Tới ngày 20/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết, Trung Quốc hy vọng Ấn Độ sẽ sớm trao trả binh sĩ mất tích vào thời gian sớm nhất có thể, cũng như hợp tác với Trung Quốc để tiếp tục thi hành những thỏa thuận đã đạt được trong vòng đối thoại lần thứ 7 giữa hai bên.
Nhiều nguồn tin chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, vụ việc binh sĩ Trung Quốc mất tích không thổi bùng xung đột mới ở biên giới tranh chấp giữa Trung - Ấn. Quá trình giải quyết sự việc cũng cho thấy những bước tiến mới tích cực giữa hai bên trong các cuộc đàm phán song phương.
Trung - Ấn có chung đường biên giới dài và nhiều nơi không có bóng người sinh sống. Do đó, nếu không hiểu rõ địa hình, binh sĩ hai nước có thể bị đi lạc. Trên thực tế, một số vụ việc binh sĩ Trung - Ấn đi lạc vào phần lãnh thổ do quân đội của bên còn lại kiểm soát cũng từng xảy ra.
Theo ông Qian Feng, Giám đốc Ban Nghiên cứu tại Viện Chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh, quy trình cơ bản để giải quyết trường hợp binh sĩ mất tích bao gồm xác định danh tính, tiến hành các bước kiểm tra cần thiết và thông báo cho bên còn lại.
Cũng theo ông Qian, sự việc binh sĩ Trung Quốc mất tích lần này sẽ không làm ảnh hưởng tới các vòng đàm phán sắp tới giữa quan chức quân đội Trung - Ấn. Bởi hai bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để giải quyết sự việc trên, đồng thời trao trả lại binh sĩ mất tích.
Ông Qian nhận định, hành động trao trả binh sĩ mất tích là tín hiệu tốt cho thấy Ấn Độ đã thay đổi thái độ gay gắt so với ban đầu và dừng thi hành chính sách khiêu khích nhằm vào Trung Quốc. Nói cách khác, Ấn Độ không muốn những vụ việc từng làm sứt mẻ quan hệ với Trung Quốc tái diễn, cũng như tránh để căng thẳng ở vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước bị thổi bùng thêm.
Căng thẳng ở vùng biên giới Trung - Ấn bùng phát sau vụ đụng độ đẫm máu vào ngày 15/6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ đó, hai bên đã cho điều động hàng ngàn binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng tới gần biên giới tranh chấp làm dấy lên mối quan ngại về khả năng xuất hiện xung đột lớn.
Vũ khí mới Trung Quốc có thể đưa ra biên giới tranh chấp với Ấn Độ
Trung Quốc cho mẫu UAV mới bay thử nghiệm ở sân bay có độ cao tương đương khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn.
Minh Thu (lược dịch)