Đức ‘chối bỏ trách nhiệm’ với Nord Stream 2?
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, Berlin sẽ không bồi thường nếu Liên minh châu Âu (EU) không thông qua đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Cụ thể, ông Habeck chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Spiegel rằng, các nhà chức trách nước này không phải bồi thường nếu cơ quan quản lý quyết định Nord Stream 2 không tuân thủ các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và Đức.
“Hiện tại, Cơ quan mạng lưới điện liên bang Đức (BNA) đã tạm dừng thủ tục cấp chứng nhận vận hành dự án. Nếu tình hình tiếp tục, thì thủ tục này sẽ phải được quyết định xem nó có đáp ứng các điều kiện để được phê duyệt theo quy định của Đức và châu Âu hay không”, Phó Thủ tướng Đức nói.
Mới đây, hôm 18/1, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức, ông Michael Roth cho biết, Berlin không loại trừ khả năng sử dụng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 làm phương tiện gây áp lực chính trị đối với điện Kremlin trong trường hợp Nga “động binh” với Ukraine.
Nord Stream 2 đang trở thành tâm điểm trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine. (Ảnh: RIA) |
“Chúng tôi đang tính đến một giải pháp ngoại giao và chính trị. Đồng thời, các công cụ ngoại giao cũng bao gồm các lệnh trừng phạt”, ông Roth cho biết.
“Nếu đến mức phải dùng đến các lệnh trừng phạt (dù tôi hy vọng có thể không phải dùng tới phương án đó), Đức không loại trừ việc phải áp những yêu cầu mà các đối tác trong Liên minh châu Âu đề nghị”, ông Roth giải thích.
Tuy nhiên, Thủ hiến bang Mecklenburg-Western Pomerania, bà Manuela Schwesig kêu gọi khởi động khẩn cấp Nord Stream 2.
Trong một cuộc phỏng vấn với Die Zeit hôm 21/1, bà Schwesig đã ủng hộ việc cấp chứng chỉ nhanh chóng cho Nord Stream 2.
Theo bà Schwesig, Berlin nên tập trung vào “đối thoại quan trọng và tương tác kinh tế với Nga”.
“Tôi tin chắc rằng chúng ta cần khẩn cấp vận hành đường ống này”, bà Schwesig cho biết.
Thủ hiến bang Mecklenburg-Western Pomerania nhấn mạnh, việc cung cấp khí đốt của Nga sẽ cho phép Đức chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
“Khí đốt cần thiết như một nguồn năng lượng, ít nhất là cho quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, để có cơ sở từ bỏ năng lượng hạt nhân và than đá”, chính trị gia kết luận.
Trước đó, vào đầu tháng 1, Thủ hiến bang Bavaria của Đức, ông Markus Söder cho rằng, chính sách của Ngoại trưởng Annalena Baerbock về Nord Stream 2 là đe dọa nước này.
Chia sẻ với kênh truyền hình N-TV, Thủ hiến bang Bavaria cho biết, Ngoại trưởng Baerbock có lập trường “ngây thơ” của đối với Nord Stream 2.
Theo ông Söder, chính sách đối ngoại của chính phủ liên bang mới gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của Đức.
“Mối đe dọa nhiên liệu về việc không sử dụng Nord Stream 2 đang gây thiệt hại chủ yếu cho Đức. Vì trong điều kiện giá xăng tăng mạnh, Đức cần nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy”, ông Söder nói.
“Chúng tôi lo sợ về một chính sách đối ngoại ‘ngây thơ’ và không chắc chắn. Điều này đặc biệt đúng trong quan hệ với Nga”, Thủ hiến Bavaria nhấn mạnh.
Đặc biệt, chính trị gia này gọi “thái độ hoài nghi của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức đối với dự án của Nga là một sai lầm”.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng quanh vấn đề Ukraine, tuyến đường ống Nord Stream 2 trở thành một “quân bài trong khủng hoảng địa chính trị”. Vốn là một dự án cơ sở hạ tầng năng lượng, một số người coi đây chỉ là dự án kinh tế, số khác coi đây là công cụ địa chính trị của Nga, cũng có người coi dự án là kết hợp của hai yếu tố.
Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD của Nga đang khiến Mỹ rơi vào tình thế khó khăn với một số đồng minh châu Âu, gây chia rẽ các nước châu Âu và nội bộ Mỹ. Khi đi vào hoạt động, Nord Stream 2 sẽ chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu. Nord Stream 2 nằm dọc theo Nord Stream 1, chạy từ Nga dọc theo Biển Baltic và vào thẳng Đức.
Thanh Bình (lược dịch)
Hé lộ lý do thực sự khiến Nord Stream 2 bị trì hoãn
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức, ông Michael Roth, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Handelsblatt, việc phản đối ra mắt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) phần lớn là vì lợi ích kinh tế của các quốc gia khác.