Cuộc khủng hoảng hậu cần toàn cầu sẽ còn kéo dài?
Thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng hậu cần khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên khắp hành tinh, ở nhiều khu vực tình trạng thiếu hàng hóa xảy ra khác nhau.
Advance đưa tin, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, hậu cần và thương mại cảnh báo rằng, những vấn đề nghiêm trọng mới bắt đầu tiếp cận và chúng sẽ đồng hành cùng hành tinh này không chỉ vào năm 2022 mà còn cả sau này. Vấn đề hậu cần và sự thâm hụt ngày càng tăng của mọi thứ không phải là vấn đề nhất thời sẽ sớm được giải quyết.
Theo ấn phẩm của Croatia, ngày nay có sự thiếu hụt thực sự trên toàn cầu từ tình trạng thiếu chip máy tính và thiết bị cho đến hàng tiêu dùng. Tất nhiên, đại dịch đã góp phần vào tình trạng này, nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu đã sụp đổ không chỉ vì Covid-19. Các vấn đề lớn đã tồn tại từ trước và đại dịch chỉ làm tăng tốc việc đổ vỡ vốn đã được ủ sẵn lâu ngày.
Vào đầu năm ngoái, nhiều nhà máy trên thế giới tạm ngừng hoạt động, công nhân mắc Covid-19 hoặc bị cách ly. Ở các giai đoạn khác nhau của đại dịch, những khu vực trên thế giới nơi tập trung sản xuất công nghệ cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,… cũng như các công ty công nghiệp khổng lồ ở châu Âu, chẳng hạn như Đức đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng hậu cần toàn cầu sẽ còn kéo dài? (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, các công ty tham gia vào lĩnh vực vận tải cũng bị hạn chế, dự đoán nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên thế giới sẽ giảm.
Theo giới chuyên gia, nhu cầu mặc dù đã giảm, nhưng chỉ đối với một số mặt hàng, còn đối với những mặt hàng khác thì đã bùng nổ. Số tiền mà người dân chi vào nhà hàng, đi du lịch và những thứ tương tự giờ đây được chi để mua các thiết bị gia dụng và thường là đồ dùng văn phòng, vì nhiều người chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà. Nhu cầu về tivi, máy chơi game và các thiết bị khác cũng tăng lên.
“Vấn đề với các sản phẩm như máy tính, ô tô, và những thứ đơn giản hơn nữa là nếu bạn có 19 trên 20 bộ phận, thì bạn không thể lắp ráp sản phẩm, mặc dù chỉ thiếu một bộ phận. Ví dụ này cho thấy những vấn đề dù là nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng cũng nhanh chóng tạo ra những vấn đề lớn hơn như thế nào. Nếu không có một bộ phận, thì toàn bộ dây chuyền sẽ bị phá vỡ”, các chuyên gia nhận định.
Bên cạnh đó, cũng có một vấn đề với các tàu container chở hàng. Trong thời điểm bình thường, các tàu container hoạt động trên các tuyến đường đã định cho phép chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động tương đối trơn tru. Với sự bùng nổ của đại dịch, các tàu container từ Trung Quốc đã được gửi theo các tuyến đường mà trước đó rất nhiều tàu đã không ra khơi. Tuy nhiên, không có nhiều hàng hóa về Trung Quốc từ những nơi như Tây Phi hay Nam Á. Kết quả là, các tàu container vẫn nằm ở cảng, vì một số công ty không có lãi khi hoạt động với các container trống rỗng.
Cùng lúc đó, các doanh nghiệp Trung Quốc dần trở lại công việc và bắt đầu sản xuất một số lượng lớn hàng hóa mà nhu cầu ở châu Âu và châu Mỹ tăng mạnh. Do đó, tình trạng thiếu hụt tàu container nhanh chóng phát sinh, ngay lập tức ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, nhiều cảng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã bị tắc nghẽn do nhu cầu tăng vọt.
Theo Advance, nếu mọi người thay đổi thói quen tiêu dùng và từ bỏ việc mua hàng không cần thiết, điều này có thể giúp khôi phục chuỗi cung ứng, nhưng lựa chọn này mâu thuẫn trực tiếp với một hệ thống sống dựa trên hàng tiêu dùng.
“Chúng tôi vẫn chưa thấy các vấn đề cung cấp thực phẩm nghiêm trọng và liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự hỗn loạn này sẽ kéo dài bao lâu? Không ai biết, nhưng rõ ràng không chỉ ngày lễ Giáng sinh sắp tới mới chịu thiệt hại và chúng ta sẽ phải bước sang năm mới 2022 với những vấn đề này”, các chuyên gia của Advance kết luận.
Nga đang đặt cược vào khí đốt và dầu mỏ?
Theo tờ Les Echos của Pháp, Nga tuyên bố chuyển hướng sang khử cacbon, nhưng cho đến nay “điều này mới chỉ trên lời nói”.
Thanh Bình (lược dịch)