Bộ trưởng Đức: 'Các lệnh trừng phạt chưa bao giờ khiến Nga nhượng bộ'
Die Welt trích lời Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier cho biết, trong quá khứ các biện pháp trừng phạt chưa bao giờ có thể khiến một quốc gia như Nga thay đổi đường lối.
Theo đó, điều này được ông Altmaier tuyên bố tại một chương trình trò chuyện trên truyền hình Đức hôm 8/9, chính trị gia này nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt chỉ dẫn đến một chính sách cứng rắn hơn. Nếu Đức muốn chịu trách nhiệm về sự ổn định của thế giới thì chỉ cần “lớn tiếng” rồi áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga, tuy nhiên như thế vẫn là chưa đủ.
“Sau vụ đầu độc chính trị gia người Nga Alexei Navalny có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi ở Đức về việc liệu có còn khả năng đàm phán với Nga hay không. Điều gì sẽ quan trọng hơn - kinh tế hay đạo đức”, Đức Die Welt viết.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier. (Ảnh: Reuters) |
Die Welt cho biết, chủ đề này đã được thảo luận một trong chương trình trò chuyện của người dẫn chương trình truyền hình Frank Plasberg, mà khách mời là Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier, Lãnh đạo Đảng Xanh Annalena Baerbock, cựu giám đốc kênh ARD TV ở Moscow Udo Liliskis. Ngoài ra, buổi trò chuyện còn có sự tham gia của cựu Tổng biên tập kiêm nhà xuất bản tờ Zeit Theo Sommer và nhà văn người Nga Vladimir Kaminer.
Theo cựu giám đốc kênh ARD TV ở Moscow Udo Liliskis, vụ đầu độc của Navalny có liên quan đến việc Điện Kremlin muốn chỉ ra điều gì sẽ xảy ra với những người chống lại họ, bởi vì có nhiều cách khác “vô hình” để hãm hại một người hơn là sử dụng chất độc Novichok. “Do đó, một người nào đó có liên hệ trong các cơ quan đặc nhiệm của Nga phải đứng sau vụ việc”, ông Liliskis nhận định.
Về phía Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier, ông đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả vụ Navalny. “Tôi đã làm việc trong quốc hội 26 năm và tôi không biết có trường hợp nào trong quá khứ mà một quốc gia như Nga có thể thay đổi đường lối thông qua các lệnh trừng phạt. Thay vào đó, điều này chỉ dẫn đến việc đưa ra các chính sách cứng rắn hơn nữa mà thôi”, ông Altmaier nhấn mạnh.
Theo bà Baerbock, phương Tây nên gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga, rằng họ không “dung thứ” cho các hành vi vi phạm nhân quyền. Bộ trưởng Altmaier ngay lập tức đưa ra câu trả lời cho vấn đề này: “Chỉ cần bày tỏ sự phẫn nộ và sau đó áp dụng các biện pháp trừng phạt. Theo ý kiến của tôi việc này là không đủ để bảo vệ trách nhiệm của Đức đối với sự ổn định trên thế giới”. Tuy nhiên, ông Altmaier cũng không loại trừ khả năng các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ được thông qua.
Theo ông Sommer, lịch sử luôn có những thời kỳ “băng giá” và “tan băng”, có lẽ chúng ta chỉ cần “ngồi ngoài nhìn cuộc đối đầu giữa Nga-Mỹ”. “Tuy nhiên, việc chờ đợi trong trường hợp này, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian vì Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể vẫn tại vị cho đến năm 2036”, Die Welt kết luận.
Nhà báo Đức giải thích lý do vì sao vụ đầu độc Navalny có lợi cho Berlin
Mới đây, nhà báo Stefan Detienne nhận định trên ấn phẩm Deutschlandfunk Kultur của Đức rằng, vụ việc của chính trị gia người Nga Alexei Navalny tạo cơ hội cho chính phủ Đức điều chỉnh chính sách đối với Nord Stream 2.
Thanh Bình (lược dịch)