Anh cảnh báo về chủng Covid-19 nguy hiểm nhất, Italy ‘đau đầu’ với chứng nhận Covid
Theo Daily Mail, tại Botswana, Nam Phi và Hong Kong, 10 trường hợp nhiễm một chủng Covid-19 mới có tên B.1.1.529 đã được ghi nhận. Các chuyên gia cho rằng, chúng có thể trở thành một biến chủng nguy hiểm nhất.
Cụ thể, biến chủng Covid-19 mới được cảnh báo ở Anh chứa 32 đột biến, một số đột biến cho thấy khả năng lây truyền cao và khả năng kháng vắc xin. Ngoài ra, B.1.1.529 có nhiều thay đổi trong protein đột biến hơn so với các biến thể khác của Covid-19.
Ông Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL cho rằng, biến chủng mới có khả năng né tránh các kháng thể so với biến thể Delta. Nhiều biến chủng trong B.1.1.529 cho thấy virus có thể bắt nguồn từ một bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu, ví dụ như bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Anh cảnh báo về chủng Covid-19 nguy hiểm nhất. (Ảnh: Unsplash) |
“Hiện nay chủng virus này nên được theo dõi chặt chẽ, nhưng không phải lo lắng quá mức, trừ khi nó bắt đầu xảy ra thường xuyên hơn”, ông Balloux nói.
Tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, đã đăng thông tin chi tiết về biến chủng mới này trên một trang web chia sẻ bộ gen và nhận định: “Lượng đột biến rất cao của biến chủng cho thấy điều này có thể thực sự đáng lo ngại”. Ông nhấn mạnh việc cần phải theo dõi sát biến chủng B.1.1.529 vì số lượng đột biến “khủng khiếp” của nó.
Trong khi đó, theo Giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge (Anh), các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông đã phát hiện hai đột biến ở B.1.1.529 có thể làm tăng khả năng lây nhiễm của virus và giảm khả năng nhận biết kháng thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các vắc xin Covid-19 hiện thời có thể làm giảm khoảng 40% khả năng lây truyền của biến chủng Delta.
“Trước khi có biến chủng Delta, vắc xin giảm khả năng lây truyền của virus khoảng 60%. Với Delta, tỷ lệ này giảm xuống còn 40%”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Theo ông Tedros, một người đã tiêm chủng có nguy cơ lây nhiễm và tử vong do Covid-19 thấp hơn so với người chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, ông cảnh báo, kể cả người đã tiêm vắc xin vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng dịch như giãn cách, đeo khẩu trang.
Tuần trước, Na Uy phát hiện thêm một phiên bản khác của chủng Delta là AY.63. Giới chuyên gia nước này cho biết, biến thể phụ trên không nguy hiểm hơn Delta. Trong khi đó, một chủng khác của virus SARS-CoV-2 là B.1.640, được phát hiện tại Pháp đã dẫn các nhà nghiên cứu đến một bất ngờ tồi tệ. Họ nói rằng chưa từng thấy những đột biến giống như vậy.
Italy sẽ có “siêu chứng chỉ” cho cuộc chiến chống lại Covid-19
Tờ La Stampa đưa tin, Italy sẽ thắt chặt các biện pháp nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Cụ thể, một thẻ “Super Green Pass” sẽ xuất hiện trong nước để chứng nhận người đã tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Khi làn sóng lây lan mới nhất tấn công châu Âu, Bộ Y tế Italy vẫn đang chủ yếu dựa vào việc sử dụng rộng rãi thẻ xanh Covid-19. (Ảnh: AP) |
“Super-certificate” sẽ được giới thiệu tại Italy từ ngày 6/12 đến ngày 15/1, nhưng nếu cần, nó sẽ tiếp tục được sử dụng. Chứng chỉ này được lên kế hoạch phát hành trong 9 tháng. Chúng sẽ được sử dụng bởi những cư dân đã tiêm phòng ở Italy và những người gần đây mắc Covid-19. Tuy nhiên, chứng chỉ này sẽ không được coi là giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Theo các nhà chức trách, thẻ “Super Green Pass” sẽ cần thiết ở các vùng của Italy ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Chứng chỉ sẽ phải được xuất trình để tham dự các buổi biểu diễn, buổi hòa nhạc, sân vận động, câu lạc bộ đêm, các sự kiện công cộng, cũng như các quán bar và nhà hàng trong nhà. Do đó, các nhà chức trách địa phương có kế hoạch bảo vệ các khu vực hiện không có Covid-19 khỏi một làn sóng dịch bệnh mới.
Bên cạnh đó, Italy cũng sẽ tiếp tục cấp chứng chỉ cơ bản đã có hiệu lực “Green Pass”, chứng chỉ này có thể được cấp bởi những công dân chưa được tiêm chủng với xét nghiệm Covid-19 âm tính. Thẻ như vậy cho phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đến văn phòng làm việc và ở trong khách sạn.
Từ ngày 15/12, việc tiêm vắc xin Covid-19 tại Italy sẽ bắt buộc đối với quân đội, cảnh sát và các nhân viên hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố việc tiêm liều vắc xin tăng cường cho những người trong độ tuổi từ 40-59 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/11, thay vì 1/12 như kế hoạch, do số ca mắc Covid-19 ở nước này đang gia tăng mạnh.
Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Nông nghiệp Italty (Coldiretti) tổ chức, ông Speranza nhấn mạnh rằng, số ca mắc Covid-19 đang tăng lên tại Italy và các nước châu Âu láng giềng. Vắc xin là công cụ chính để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và giảm số ca bệnh nặng. Do đó, việc đẩy sớm chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho nhóm tuổi 40-59 là đúng đắn. Italy đang trong làn sóng lây nhiễm thứ tư và cần đặc biệt theo dõi sát tình hình.
Theo Bộ trưởng Speranza, 86,86% dân số đủ điều kiện (trên 12 tuổi) tại Italy hiện đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng Covid-19, “nhưng chúng tôi phải tăng số người được tiêm chủng, cả những người tiêm mũi thứ nhất và mũi tăng cường, thông qua việc thuyết phục những người còn nghi ngờ vắc xin, kể cả về mũi tăng cường”.
Covid-19 khiến thế giới 'đảo lộn' từ châu Âu sang châu Mỹ như thế nào?
Tờ Focus của Đức viết: Bản đồ Covid-19 trên thế giới dường như đang bị đảo lộn.
Thanh Bình (lược dịch)