Afghanistan: Bé gái 9 tuổi bị bán làm vợ người đàn ông 55 tuổi để cứu đói cho cả nhà
Hết tiền và không việc làm, bố đẻ của bé gái 9 tuổi ở Afghanistan đã bán con cho người đàn ông 55 tuổi để lấy tiền mua thức ăn cho cả nhà.
Cô bé Parwana Malik (9 tuổi) với đôi mắt đen nháy và đôi má ửng hồng, vui vẻ nô đùa với các bạn trên nền đất đầy bụi. Nhưng khi trở về nhà, nụ cười trên môi cô bé vụt tắt khi biết mình đã bị bố bán cho cho một người đàn ông lớn tuổi làm “cô dâu nhí”.
Người đàn ông bỏ tiền mua bé Parwana đã 55 tuổi. Trong mắt cô bé 9 tuổi, người này “chỉ là một ông lão” với cặp lông mày và bộ râu bạc trắng. Chia sẻ với CNN hôm 22/10, cô bé cho biết rất sợ bị người đàn ông đánh và sợ bị ép phải làm việc nhà. Nhưng gia đình cô bé không còn lựa chọn nào khác là bán con gái để có tiền trang trải cuộc sống trong vài tháng.
Cô bé Parwana Malik (9 tuổi) cùng bố đẻ. (Ảnh: CNN) |
Trong 4 năm qua, cả nhà bé Parwana đã sống ở khu trại tị nạn nằm ở tỉnh tây bắc Badghis của Afghanistan. Cả nhà sống bằng nguồn hàng cứu trợ nhân đạo, cùng công việc giúp việc với số tiền vài USD/ngày. Tuy nhiên, cuộc sống của cả gia đình càng trở nên khó khăn hơn kể từ khi phe phiến quân Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8.
Trong bối cảnh nền kinh tế Afghanistan hoàn toàn sụp đổ, các nhà viện trợ quốc tế dừng hỗ trợ, gia đình bé Parwana không còn tiền để chi trả những thứ thiết yếu như thực phẩm. Thậm chí, bố của bé Parwana đã phải bán cô con gái 12 tuổi cách đây vài tháng.
Parwana là một trong số nhiều bé gái ở Afghanistan bị bán, trong bối cảnh quốc gia Nam Á rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Nạn đói đã khiến nhiều gia đình phải đưa ra quyết định đau lòng nhất là khi mùa đông khắc nghiệt sắp đến.
“Ngày qua ngày, số lượng gia đình bán con càng tăng lên. Thiếu ăn, thất nghiệp, các gia đình cảm thấy họ phải làm như vậy”, ông Mohammad Naiem Nazem, nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh Badghis chia sẻ.
Không còn lựa chọn
Ông Abdul Malik, bố đẻ của bé Parwana, cho biết trước ngày bán con, ông đã mất ngủ cả đêm vì cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và lo lắng.
Để tránh cảnh phải bán con, ông Malik từng tới thành phố Qala-e-Naw để tìm việc làm nhưng thất bại. Ông cũng đã mượn rất nhiều tiền của những người họ hàng. Vợ ông còn tới các trại tị nạn khác để xin thức ăn.
Nhưng cuối cùng, ông Malik vẫn không còn lựa chọn nào khác là bán con nếu như muốn có thức ăn để nuôi cả nhà.
“Cả nhà có 8 thành viên. Tôi phải bán con để những người còn lại trong nhà có cái ăn”, ông Malik chua xót nói.
Tuy nhiên, số tiền bán con mà ông Malik nhận được cũng chỉ đủ kéo dài cuộc sống gia đình trong vài tháng trước khi ông có thể nghĩ ra cách xoay sở khác.
Trước khi bị bán, Parwana đã cầu xin bố thay đổi ý định bởi cô bé muốn trở thành giáo viên và tiếp tục được tới trường. Nhưng mọi chuyện đã được an bài.
Vào ngày 24/10, ông Qorban, người đàn ông 55 tuổi đã trao cho bố của Parwana số tiền khoảng 2.200 USD dưới dạng đàn cừu, đất đai và tiền mặt.
Ông Qorban nhấn mạnh thương vụ mua bán này không phải vì mục đích đám cưới, bởi thực tế ông đã có vợ và vợ ông sẽ chăm sóc cũng như coi Parwana như con cái trong nhà.
“Giá mua Parwana quá rẻ, bố con bé quá nghèo và anh ta cần tiền. Con bé sẽ làm việc ở nhà tôi. Tôi sẽ không đánh đập mà sẽ đối xử với nó như người trong nhà. Tôi sẽ là người tốt”, ông Qorban cho hay.
Ngày con gái bị đưa lên chiếc ô tô đang đậu sẵn ngoài cửa, người bố của Parwana chỉ có thể nói với ông Qorban rằng, “Đây là vợ của ông. Hãy chăm sóc cho con bé. Xin đừng đánh đập nó”.
Người đàn ông 55 tuổi dẫn cô bé Parwana rời khỏi nhà bố đẻ. (Ảnh: CNN) |
Tai họa lớn
Kể từ ngày lực lượng phiến quân Taliban lên nắm quyền, những câu chuyện đau lòng như trường hợp của bé Parwana càng trở nên phổ biến.
Dù kết hôn dưới 15 tuổi bị xem là phạm pháp ở Afghanistan, nhưng tập tục này vẫn tồn tại ở quốc gia Nam Á nhất là tại những vùng nông thôn. Và kể từ tháng Tám năm nay, nạn đói cùng sự tuyệt vọng khiến tình trạng các bé gái bị bán để cứu gia đình khỏi nạn đói càng gia tăng.
Theo báo cáo được công bố trong tuần này của Liên Hợp Quốc (LHQ), hơn 1/2 dân số Afghanistan đang đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong đó, hơn 3 triệu trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng trong những tháng tới. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi giá lương thực tăng phi mã, các ngân hàng cạn tiền mặt và công nhân không được trả lương.
Tổn thương đối với các bé gái Afghanistan là rất lớn, bởi các em vẫn đang phải ở nhà trong khi những bạn nam cùng lứa đã được phép đi học trở lại theo luật của Taliban. Taliban hứa hẹn sẽ cải thiện quyền của nữ giới, nhưng cho tới nay dường như lời nói không đi đôi với việc làm. Bên cạnh đó, tình trạng đói nghèo càng khiến nhiều bé gái bị đẩy ra "thị trường hôn nhân".
“Chừng nào bé gái được đi học, các gia đình sẽ đầu tư cho tương lai của con. Nhưng khi bé gái bị thất học, các em sẽ dường như bị đẩy vào con đường kết hôn sớm”, ông Heather Barr thuộc Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) nhấn mạnh.
Đối với một bé gái bị bán làm cô dâu nhí, cơ hội được tiếp tục đến trường và theo đuổi ước mơ sẽ chỉ là con số 0. Nói cách khác, tương lai của các cô dâu nhí này là vô cùng đen tối.
Cụ thể, theo số liệu của Qũy Dân số LHQ (UNFPA), không có biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản, mỗi năm gần 10% bé gái Afghanistan trong độ tuổi từ 15 – 19 sinh con.
Thậm chí, nhiều bé gái vì cơ thể còn quá nhỏ và yếu ớt nên dẫn tới tỷ lệ tử vong do sinh đẻ trong nhóm từ 15 – 19 tuổi cao gấp hơn 2 lần so với nhóm từ 20 – 24 tuổi ở Afghanistan.
Các nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời Taliban ở tỉnh Badghis cho biết, họ có kế hoạch phân phối thực phẩm để ngăn các gia đình phải bán con gái.
“Một khi chúng tôi thực hiện kế hoạch, nếu họ còn bán con, chúng tôi sẽ cho họ đi tù”, ông Mawlawai Jalaludin, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Taliban cho hay.
Nhưng trên thực tế, nạn bán con để có tiền mua thực phẩm không chỉ xuất hiện ở tỉnh Badghis. Nhất là khi mùa đông lạnh giá sắp đến giữa lúc Taliban và các nhóm cứu trợ nhân đạo kêu gọi cộng đồng quốc tế nối lại hoạt động hỗ trợ, vấn nạn cô dâu nhí được cho sẽ còn lan rộng và gia tăng.
Trong tháng Chín, các nhà tài trợ cho LHQ đã hứa chi hơn 1 tỉ USD cho hoạt động cứu trợ ở Afghanistan. Trong số này, 606 triệu USD sẽ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất cho người dân Afghanistan. Nhưng theo phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (UNOCHA), cho tới nay, chưa tới 1/2 khoản tiền 1 tỉ USD như các nước thành viên LHQ hứa hẹn đã được chuyển cho tổ chức này.
Chuyện chưa kể về quá trình sơ tán của Mỹ khỏi Afghanistan
Không quân Mỹ tiết lộ thêm tình tiết chưa từng được nhắc tới trong quá trình tham gia sứ mệnh sơ tán ở Afghanistan .
Minh Thu (lược dịch)